Bộ Tài chính nỗ lực phát triển thị trường tài chính xanh

17:08 11/07/2023
Cỡ chữ
Bộ Tài chính nỗ lực phát triển thị trường tài chính xanh
Nguồn: Ngân hàng Thế giới, Bộ Tài chính Đồ họa: Văn Chung

Việt Nam là thị trường phát hành “nợ xanh” thứ hai ASEAN

Chuyển đổi xanh và giảm phát thải nhằm thực hiện cam kết Net Zero là một chặng đường dài với nhiều khó khăn, thách thức đối với Việt Nam. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, bên cạnh nguồn lực công, trong những năm gần đây, Việt Nam đã huy động được nguồn lực từ khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế thông qua việc hình thành và phát triển thị trường tài chính xanh. Từ 2019 - 2023, Việt Nam đã phát hành trái phiếu xanh được 1,157 tỷ USD.

Đến nay, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đã định hình nền tảng và phát triển với 3 cấu phần gồm: thị trường tín dụng xanh; thị trường cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh. Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện khung khổ pháp lý về trái phiếu xanh. Trên thị trường có các sản phẩm trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương phục vụ cho các dự án/công trình “xanh” như: thủy lợi, bảo vệ môi trường, điện gió, năng lượng mặt trời.

Để khuyến khích thị trường trái phiếu xanh phát triển, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư hướng dẫn chủ thể phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh được hưởng ưu đãi giảm 50% mức giá dịch vụ của trái phiếu xanh trên thị trường chứng khoán.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam đã đạt được quy mô thị trường vốn phục vụ phát triển bền vững tăng nhanh so với khu vực. Tổng giá trị mảng xanh, xã hội và bền vững của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2021, gấp gần 5 lần so với năm 2020 và duy trì tăng trưởng ổn định trong 3 năm liền. Việt Nam là thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, đạt trên 1 tỷ USD, chỉ sau Singapore.

Tập trung nguồn lực cho phát triển tài chính xanh

Nhằm thực hiện nhiệm vụ giảm phát thải khí nhà kính thúc đẩy năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống, thúc đẩy tiêu dùng, thúc đẩy bền vững, hiện nay, Bộ Tài chính đang tập trung thực hiện cải cách hệ thống thuế, quản lý nợ công và cơ cấu lại ngân sách nhà nước nhằm động viên nguồn lực một cách hợp lý cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, cải thiện dư địa tài khóa; tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng và an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, thị trường cổ phiếu xanh cũng đã có những bước phát triển ban đầu. Chỉ số Phát triển bền vững VNSI được đưa vào vận hành từ năm 2017, nhằm xác định chuẩn phát triển bền vững cho các công ty niêm yết và hỗ trợ nhà đầu tư xác định những doanh nghiệp có tính “xanh” để đầu tư. Bộ Tài chính cũng đã xây dựng và hoàn thiện các quy định theo chức năng về tài chính bền vững, nâng cao các tiêu chuẩn về quản trị công ty và công bố thông tin gắn với các tiêu chí về môi trường - xã hội - quản trị công ty (ESG).

Ưu tiên phát triển thị trường các-bon

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có thể sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm khi theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng “0”. Trong đó, hành trình khử các-bon nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế chiếm khoảng 30% nhu cầu nguồn lực.

Tuy nhiên, khu vực công sẽ chỉ có thể đáp ứng khoảng 1/3 nguồn lực yêu cầu, trong khi thị trường tài chính xanh hiện mới ở giai đoạn đầu phát triển. Nguồn lực huy động qua thị trường tài chính xanh ở mức rất nhỏ bé so với nhu cầu đặt ra.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn lực cho tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, bên cạnh việc phát huy nội lực, Việt Nam cần tăng cường hợp tác, hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Theo đó, bên cạnh ưu tiên nguồn lực công, Bộ Tài chính sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc nghiên cứu các giải pháp để huy động nguồn lực tư nhân và các tổ chức quốc tế. Trong đó, phát triển thị trường tài chính xanh và thị trường các-bon là những ưu tiên. Theo đó, chú trọng phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững; khuyến khích các địa phương và doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh; thu hút nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đầu tư vào các công cụ tài chính xanh. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan xây dựng quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục phân loại xanh theo nhiệm vụ được giao, tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, làm căn cứ để các chủ thể phát hành lựa chọn dự án xanh để sử dụng vốn từ trái phiếu xanh.

Đối với thị trường các-bon trong nước, Bộ trưởng cho biết, với vai trò là cơ quan được giao chủ trì xây dựng, thành lập sàn giao dịch tín chỉ các-bon và ban hành cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động của thị trường các-bon, Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển thị trường các-bon để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sẽ chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon vào năm 2028

Thông tin xung quanh việc xây dựng thị trường giao dịch tín chỉ các-bon, ông Hoàng Thái Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cho biết, thị trường các-bon là rất cần thiết.

“Chúng ta chuẩn bị đi vào “cuộc chơi” trên toàn cầu là tất cả các doanh nghiệp phải chuẩn bị hành trang cho mình về tín chỉ các-bon. Việt Nam là nước xuất khẩu mạnh, nếu không chuẩn bị thì các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sẽ không thể xuất được sang những thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… vì tất cả đều đòi hỏi các sản phẩm phải giảm phát thải” - ông Sơn chia sẻ.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã đưa cam kết đến năm 2050, Việt Nam sẽ đạt mức phát thải bằng 0 - Net Zero, nên các doanh nghiệp phải đảm bảo sản phẩm của mình phải trung hòa các-bon. Tuy nhiên, có doanh nghiệp tự trung hòa các-bon được nhưng cũng có những doanh nghiệp chỉ phát thải và cũng có doanh nghiệp xây dựng được tín chỉ các-bon. Điều này đòi hỏi phải có một thị trường giao dịch tín chỉ các-bon.

Với thị trường các-bon trong nước, lộ trình phát triển và triển khai đã được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Theo đó, từ nay đến hết năm 2027, Chính phủ sẽ tập trung xây dựng các hệ thống quy định, chính sách tạo nền tảng cho thị trường vận hành cũng như thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon, hướng đến chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon vào năm 2028.

Ông Sơn cho biết, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Tài chính sẽ xây dựng một thị trường hiện đại, mã hóa tất cả các chứng chỉ các-bon, các hạn ngạch phát thải khí nhà kính để từ đó, những doanh nghiệp nào có tín chỉ từ sản xuất có thể bán và những doanh nghiệp muốn xuất khẩu mà chưa kịp có công nghệ để hiện đại hóa thì sẽ lên thị trường để mua các tín chỉ các-bon này. Các doanh nghiệp sẽ “gặp nhau” trên thị trường, cung sẽ gặp cầu.

“Trong lĩnh vực này, các doanh nghiệp có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức, nhưng chúng ta không thể đứng ngoài cuộc chơi được mà phải “chơi” cùng thế giới. Chúng tôi sẽ thiết kế một thị trường công khai, minh bạch và tương đối hiện đại, theo kịp thị trường tín chỉ các-bon trên thế giới hiện nay, đưa vào thí điểm vào 2025 và chính thức vận hành vào 2028”- ông Sơn nhấn mạnh./.

Nguồn: Bộ Tài chính nỗ lực phát triển thị trường tài chính xanh

https://tapchiketoankiemtoan.vn/

Viết bình luận
Thêm bình luận

Liên kết Website

partner-01
partner-02
partner-03
partner-04
partner-05
partner-06
partner-07
partner-08
partner-09

Thông báo