Cần có các chế tài để bảo vệ doanh nghiệp PCCC chân chính

08:51 15/05/2023
Cỡ chữ

Nan giải vấn đề hàng nhái

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, năm 2022, lực lượng Quản lý thị trường trên cả nước đã xử lý 3.069 vụ việc vi phạm liên quan các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, với số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 38 tỷ đồng. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2023, đã xử lý 1.764 vụ vi phạm, với số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 15,7 tỷ đồng.

Một trong những nạn nhân là Công ty TNHH Màn ngăn cháy Việt Nam (có trụ sở tại 75C đường số 4, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh). Theo như phản ánh của doanh nghiệp, đó là việc Công ty TNHH Skydoor Việt Nam đã tiến hành sử dụng sản phẩm “Màn cuốn ngăn cháy có giới hạn chịu lửa EI 70” giống sáng chế của Công ty cho mục đích thương mại.

Thời gian gần đây, Công ty TNHH Màn ngăn cháy Việt Nam phát hiện Công ty TNHH Skydoor Việt Nam đã tiến hành sử dụng sản phẩm “Màn cuốn ngăn cháy có giới hạn chịu lửa EI 70”. Đây được xem như giống sáng chế “Màng chắn ngăn cháy dạng cuốn cách nhiệt không phun nước” cho mục đích thương mại, dù không có quyền sử dụng trước. Do đó đã gây thiệt hại nặng nề và ảnh hưởng đến uy tín của công ty TNHH Màn ngăn cháy Việt Nam.

Đứng trước sự việc trên, ngày 15/3/2023 Công ty TNHH Màn ngăn cháy Việt Nam đã có thư cảnh báo gửi Công ty TNHH Skydoor Việt Nam. Qua đó yêu cầu chấm dứt việc sản xuất kinh doanh sản phẩm “Màn cuốn ngăn cháy có giới hạn chịu lửa EI 70” trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên từ đó đến nay, Công ty TNHH Skydoor Việt Nam không có động thái thực hiện các yêu cầu nêu trên. Có thể thấy rằng, Công ty TNHH Skydoor Việt Nam đã cố tình vi phạm, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty TNHH Màn ngăn cháy Việt Nam.

Những hiểm họa khó lường từ hàng nhái

Màn ngăn cháy là sản phẩm có khả năng chịu được nhiệt độ cao (>1000 độ C), áp suất lớn từ 2- 4h. Màn chống cháy có nguyên lý hoạt động giống như màn ngăn khói. Đều là màn cuốn, được vận hành điện và được kích hoạt bằng tín hiệu cảnh báo. Tuy nhiên, màn chống cháy có khả năng hoạt động trong đám cháy, ngay cả khi mất điện chức năng của màn ngăn cháy, hiểu một cách đơn giản nhất là ngăn sự lan truyền nhanh chóng của lửa và khói trong tòa nhà, từ đó có thể sơ tán người gặp nạn và hỗ trợ dịch vụ cứu nạn.

Do đó, ngày 30/11/2022 Bộ Xây dựng đã ra Thông tư số 06/2022/TT-BXD, về việc ban hành QCVN 06:2022/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình. Đặc biệt, có đề cập đến các quy chuẩn khi sản xuất và sử dụng màn ngăn cháy cho các công trình xây dựng.

Vì vậy, màn ngăn cháy đang trở thành thiết bị phòng cháy chữa cháy quan trọng cho mỗi công trình, dẫn tới nhu cầu tăng cao. Tuy nhiên hiện nay trên thị trường đang có không ít sản phẩm kém chất lượng, nguồn gốc không rõ ràng, được làm nhái, vi phạm quyền sáng chế, giá rẻ… không những không có tác dụng khi xảy ra hỏa hoạn mà còn để lại những hậu quả khôn lường về người và tài sản.

Các sản phẩm, thiết bị phòng cháy chữa cháy chưa được kiểm định về chất lượng nên hiệu quả chữa cháy thấp hoặc không có khả năng dập tắt, ngăn đám cháy ngay từ ban đầu. Từ đó làm tăng khả năng cháy lan, cháy lớn, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Vì vậy khi mua và lắp đặt màn ngăn cháy là hàng nhái, hàng kém chất lượng rất nguy hiểm cho các công trình xây dựng.

Đặc biệt, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ còn liên quan đến tính mạng con người, do đó đạo đức trong kinh doanh cần được đề cao. Mặt khác, còn thể hiện sự nghiêm chỉnh của doanh nghiệp trong việc thượng tôn pháp luật và sự cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất kinh doanh.

Cần sự vào cuộc của các cơ quản lý Nhà nước

Để đưa ra thị trường một sáng chế như màn ngăn cháy doanh nghiệp đã phải nghiên cứu trong thời gian dài. Đặc biệt yếu tố “chất xám” làm nên sản phẩm đó, cũng như chi phí test sản phẩm là rất cao từ 1-2 tỷ đồng, thậm chí có thể mất trắng trong việc nghiên cứu. Do đó, Nhà nước cần có các chế tài bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính khi nghiên cứu và đưa ra cộng đồng những sản phẩm hữu ích.

Cũng theo đại diện doanh nghiệp bày tỏ: Từ sự việc Công ty TNHH Skydoor Việt Nam có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây ra những ảnh hưởng xấu đến thị trường và môi trường kinh doanh. Do đó các cơ quan quản lý Nhà nước cần có những biện pháp cứng rắn để ngăn chặn tình trạng nói trên. Để từ đó khích lệ các doanh nghiệp chân chính phát triển và có môi trường kinh doanh lành mạnh, thượng tôn pháp luật.

Mặt khác, hiện nay các doanh nghiệp còn vướng mắc trong việc nghiên cứu và sản xuất các thiết bị phòng cháy chữa cháy. Hơn nữa, đây là ngành đặc thù và cũng chưa có thông tư, nghị định quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy và chế tài bảo vệ doanh nghiệp. Theo đó, các cơ chế bảo vệ, hỗ trợ các công ty trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy còn thiếu và chưa đồng bộ.

Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trường Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh, để giữ ổn định thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng, của doanh nghiệp làm ăn chân chính, giai đoạn từ nay đến 2030, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ là nhiệm vụ chính, trọng tâm của toàn lực lượng.

Bên cạnh đó, Luật Sở hữu trí tuệ là hành lang pháp lý, góp phần từng bước thúc đẩy các hoạt động đầu tư, kinh doanh, khai thác, góp vốn, liên doanh, liên kết, chuyển giao, chuyển nhượng các tài sản trí tuệ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có cơ sở pháp lý để công nhận, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể khi giải quyết tranh chấp, xâm phạm quyền trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Trong một nền kinh tế phát triển và hướng đến toàn cầu hóa, quyền sở hữu trí tuệ cũng chính là thứ tài sản có giá trị vô cùng to lớn quyết định đến sự phát triển nội tại của bản thân doanh nghiệp. Do đó, các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc cạnh tranh không lành mạnh có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, hình sự hoặc dân sự tùy thuộc vào từng trường hợp. Qua đó, giúp cho các chủ thể tranh chấp tìm ra được hướng đi hiệu quả để tháo gỡ khúc mắc và đảm bảo được lợi ích chính đáng.

Thời gian qua, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp, khó lường, tần suất ngày càng cao, nhất là tại các vụ cháy tại các khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh… Nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (mới đây nhất là vụ cháy quán karaoke tại quận Cầu Giấy, Hà Nội ngày 01/8/2022 làm 3 chiến sĩ Cảnh sát PCCC hy sinh; vụ cháy kho xưởng khiến 3 mẹ con tử vong ở Thanh Oai, Hà Nội ngày 10/9/2022; vụ cháy quán karaoke tại Bình Dương ngày 06/9/2022 làm nhiều người chết…)

Những vụ việc nghiêm trọng, thương tâm trên là cảnh báo và cho thấy tình hình là khẩn cấp, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ mới cho công tác phòng ngừa, ứng phó với các sự cố, tai nạn, hỏa hoạn, để bảo đảm an toàn tài sản và nhất là tính mạng con người; đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết. Thực tế chi phí đầu tư một công trình phòng cháy chữa cháy lên đến hàng chục tỷ đồng nhưng mua phải hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ, tranh chấp bản quyền dẫn tới không được nghiệm thu đưa vào sử dụng, gây thiệt hại lớn chủ đầu tư, uy tín trong kinh doanh. Song, không ít công trình qua kiểm tra đã không đáp ứng các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, trong đó, nguyên nhân từ trang thiết bị không đảm bảo chiếm tỉ lệ không nhỏ. Sau những sự cố cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản thời gian qua, việc thẩm duyệt, đầu tư lắp đặt, nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy của đơn vị cung cấp uy tín, chính hãng thực sự mới được nhìn nhận nghiêm túc.

Viết bình luận
Thêm bình luận

Liên kết Website

partner-01
partner-02
partner-03
partner-04
partner-05
partner-06
partner-07
partner-08
partner-09

Thông báo