Chính phủ yêu cầu tập trung xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém

13:19 13/09/2023
Cỡ chữ

cac-ngan-hang-thuong-mai-dong-thuan-giam-lai-suat-tu-ngay-6-f55c2

Tại Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 10/9/2023, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tập trung xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, báo cáo các cấp có thẩm quyền trong tháng 9/2023.

Đồng thời, NHNN giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 9 phương án xử lý Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), không để chậm trễ hơn nữa.

Trước đó, NHNN cho biết đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với bốn ngân hàng yếu kém thuộc diện kiểm soát đặc biệt, gồm: Ngân hàng Đông Á (DongABank) và 3 ngân hàng mà Nhà nước mua lại 0 đồng là Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank).

Đối với SCB, NHNN đang khẩn trương triển khai các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đánh giá tổng thể thực trạng và chủ trương cơ cấu lại để có cơ sở xây dựng phương án cơ cấu lại ngân hàng này, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.

SCB được đặt vào kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022. NHNN đã khẩn trương, tích cực phối hợp với các bộ, ngành triển khai các giải pháp theo quy định pháp luật để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền, lợi ích của người gửi tiền; thường xuyên rà soát, theo dõi để kịp thời xử lý các thông tin chưa đúng sự thật, gây hoang mang dư luận.

Đến nay, hoạt động của SCB vẫn trong tầm kiểm soát và dần ổn định; không xảy ra tình huống mất an ninh, trật tự trên các địa bàn có chi nhánh, phòng giao dịch của SCB.

Ngoài ra, tại Nghị quyết số 144/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi sát tình hình, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để ưu tiên hơn nữa cho thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội.

NHNN điều hành tăng trưởng tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; khẩn trương hoàn thiện theo thẩm quyền các quy định, chính sách tín dụng, điều kiện cho vay với thủ tục thông thoáng, thuận tiện, khả thi, hợp lý hơn, tăng mạnh khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế, góp phần hạn chế "tín dụng đen". Tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; theo dõi việc triển khai thực hiện Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, Thông tư số 03/2023/TT-NHNN để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh (nếu có).

Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu NHNN có giải pháp tiếp tục đẩy mạnh giải ngân các gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản; Khẩn trương xem xét, điều chỉnh phù hợp theo thẩm quyền hệ số rủi ro đối với các phân khúc bất động sản khác nhau; rà soát các quy định liên quan đến cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cho đồng bộ, phù hợp với chính sách phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ.

NHNN phối hợp với Bộ Công an trong việc sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06 để có cơ chế, chính sách cho vay tín chấp phù hợp, hạn chế "tín dụng đen".

Viết bình luận
Thêm bình luận

Liên kết Website

partner-01
partner-02
partner-03
partner-04
partner-05
partner-06
partner-07
partner-08
partner-09

Thông báo