Kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2023

08:44 05/04/2023
Cỡ chữ

a t4

Doanh nghiệp dệt may đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc ký mới đơn hàng xuất khẩu. Ảnh: Đức Thanh

Thách thức lớn: Vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng 6,5%

Không nằm ngoài dự báo, sau khi tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2023 được công bố ở mức 3,32%, thấp hơn tới 2,8 điểm phần trăm so với kịch bản đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP (5,6%), đồng thời dựa trên dự báo tình hình quý II và cả năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Kịch bản cập nhật đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo Chính phủ tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3, tổ chức vào ngày làm việc đầu tiên của tuần này.

Theo đó, có 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế được đưa ra. Với kịch bản 1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, tăng trưởng GDP cả năm sẽ đạt khoảng 6%, thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với mục tiêu Quốc hội quyết nghị. Để đạt được kết quả này, tăng trưởng các quý II, III và IV sẽ theo đúng kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, lần lượt là 6,7%, 6,5% và 7,1%.

Với kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm là 6,5%. Theo đó, để đạt mục tiêu này, tăng trưởng GDP quý II là 6,7% (bằng kịch bản Nghị quyết 01/NQ-CP), còn quý II và quý III, phải đạt tăng trưởng lần lượt là 7,5% và 7,9%, cao hơn lần lượt 1 điểm phần trăm và 0,8 điểm phần trăm so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Có vẻ như, cả hai kịch bản trên được đưa ra trong nỗi trăn trở và lo lắng rất lớn của cơ quan “Tổng tham mưu trưởng” của nền kinh tế. Bởi lẽ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong trường hợp tăng trưởng GDP năm 2023 chỉ đạt 6%, sẽ gây áp lực rất lớn lên mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021-2025 (6,5-7%). “Muốn đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm là 6,5%, đòi hỏi năm 2024 - 2025 phải đạt tăng trưởng bình quân gần 8%/năm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Còn muốn nền kinh tế đạt tăng trưởng 6,5% trong năm nay, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị, bởi theo Bộ trưởng, đây là kịch bản “rất thách thức”. Thách thức là do không dễ để quý II, đặc biệt là quý III và quý IV đạt được mức tăng trưởng cao như vậy. “Khó khăn có thể kéo dài đến hết quý II”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Hơn nữa, có một thực tế là, các quý II, III, IV năm ngoái, tăng trưởng GDP ở mức rất cao. Cụ thể, mức tăng trưởng trong 3 quý lần lượt là 7,83%; 13,71% và 5,92%. Không đơn giản để kinh tế năm nay đạt mức tăng trưởng cao trên nền tăng trưởng rất cao như vậy.

Chưa kể, tình hình trong hiện tại, khó khăn vẫn bủa vây. Nhu cầu thị trường thế giới vẫn ở mức thấp, dẫn tới đơn hàng giảm, xuất khẩu giảm và sản xuất công nghiệp trong nước cũng giảm.

Đơn hàng giảm sẽ làm giảm động lực sản xuất - kinh doanh trong nước. Trong cuộc làm việc mới đây với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các hiệp hội doanh nghiệp đã đề cập rất nhiều khó khăn trong ký mới đơn hàng xuất khẩu, nhất là với hàng dệt may, về dòng tiền…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh những áp lực trong điều hành kinh tế vĩ mô, khi tăng trưởng quý I thấp hơn dự báo, trong khi giai đoạn tới tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố phức tạp, khó lường, như sự phục hồi chậm, khó khăn và suy giảm nhu cầu của các đối tác thương mại lớn; chiến sự Nga - Ukraine tiếp diễn, cùng điều kiện tài chính khó khăn hơn, do xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới và rủi ro thị trường tài chính toàn cầu…

Tuy nhiên, trước những khó khăn, thách thức, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn kiến nghị Chính phủ lựa chọn kịch bản 2, phấn đấu tăng trưởng cả năm là 6,5%, để tạo đà cho các năm tiếp theo nhằm góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021-2025 từ 6,5-7%.

Trông vào động lực tăng trưởng nào?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng ý vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay, phấn đấu đạt mức cao nhất mục tiêu đề ra.

Một câu hỏi vẫn luôn được đặt ra, đó là có thể trông vào động lực tăng trưởng nào? Một bài toán không hề đơn giản, bởi hiện tại, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hầu hết các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đã hết thời gian thực hiện hoặc hiệu quả thấp.

“Cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ mới như giảm thuế, phí…, tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho rằng, nếu giải ngân đầu tư công được thúc đẩy mạnh trong quý II, sẽ tạo dư địa cho tăng trưởng. “Cũng cần tăng cường tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cho các dự án dở dang. Điều này sẽ giúp giải phóng nguồn lực rất lớn, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, năm 2023, Bộ này được giao hơn 94.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, quý I đã giải ngân được khoảng 17%. “Chúng tôi sẽ tập trung giải ngân, bình quân mỗi tháng phải được 8.000 tỷ đồng, để thúc đẩy tăng trưởng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, cùng với việc lý giải vì sao quý I, đầu tàu kinh tế của cả nước chỉ tăng trưởng 0,7%, đã cho biết, thời gian tới, bên cạnh tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về thị trường, vốn, nguyên liệu đầu vào và nhân lực, Thành phố sẽ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Đồng tình với ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, để thúc đẩy tăng trưởng, tới đây, phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu và đầu tư, thúc đẩy đầu tư công, thực hiện hiệu quả Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

Đúng như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nói, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5%, cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị.

Theo số liệu vừa được S&P Global công bố, Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam chỉ đạt 47,7 điểm trong tháng 3/2023, giảm khá mạnh so với 51,2 điểm của tháng 2/2023 và lần thứ tư nằm dưới ngưỡng 50 điểm trong vòng 5 tháng qua.

“Tăng trưởng trong ngành sản xuất đã dừng lại trong tháng 3, sau khi đã phục hồi mạnh mẽ trong tháng trước. Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm đều giảm khi có các báo cáo về tình trạng nhu cầu giảm”, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence nói.

Hà Nguyễn.baodautu.vn

Nguồn: Kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2023

Viết bình luận
Thêm bình luận

Liên kết Website

partner-01
partner-02
partner-03
partner-04
partner-05
partner-06
partner-07
partner-08
partner-09

Thông báo