Làm gì để tránh phòng vệ thương mại?

23:09 25/01/2023
Cỡ chữ

0030

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sự ra đời của các tổ chức đa phương như WTO, WHO, FAO, LHQ và các FTA nói lên rằng, cần có khung khổ pháp lý để điều chỉnh các mối quan hệ quốc tế. Ai muốn chơi phải tuân thủ luật và ngược lại.

Nhìn dưới góc độ pháp luật, hiểu theo nghĩa hẹp, hội nhập có nghĩa là chịu sự điều chỉnh của một khung khổ pháp lý nào đó. Ví dụ, quy tắc xuất xứ hàng hóa của RCEP có điểm khác với EVFTA; quy chuẩn sạch của Mỹ không hoàn toàn giống với EU.

Nói về “sạch” rất nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam hiện nay chưa hiểu đúng nghĩa khoa học. Chuẩn sạch của chúng ta nhiều khi đơn giản là lợn không dùng chất tăng trọng, vịt, gà cho ăn thức ăn hữu cơ tự cung tự cấp, rau củ không ngậm hóa chất,…

Food and Drug Administration – Cục quản lý thực phẩm Mỹ (FDA) đưa ra bộ tiêu chí chung về thực phẩm sạch: Phân tích mối nguy hại, đánh giá về nhà sản xuất, nguyên liệu đầu vào, có kế hoạch bảo đảm an toàn thực phầm, có giấy tờ liên quan bằng tiếng Anh. Nếu buôn bán tại Mỹ, cần có chứng nhận do FDA cấp định kỳ và  sẵn sàng đáp ứng yêu cầu kiểm tra tại chỗ của cơ quan này.

Đơn cử, về nhiệm vụ phân tích mối nguy hại, điều kiện này buộc doanh nghiệp phải đầu tư phòng thí nghiệm, thiết bị phân tích, biên chế nhân sự các mảng hóa – sinh học,…dĩ nhiên phải đạt tiêu chuẩn Mỹ.

Để có được nguồn cung nguyên liệu đầu vào đúng chuẩn cần tham gia chuỗi cung ứng, hợp tác chặt chẽ với những nhà cung cấp đủ uy tín, chất lượng. Ngoài ra, để đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm cần có quy trình sản xuất nghiêm ngặt.

Cái khó muôn đời của doanh nghiệp Việt Nam là đa phần nhỏ và vừa, chỉ mới tập trung vào khâu sản xuất mà chưa quan tâm lắm đến tiêu chuẩn thị trường, đặc biệt là thị trường ngoài nước – nếu muốn xuất khẩu.

Không nhiều doanh nghiệp đủ tiềm lực đầu tư trang thiết bị, kiểm định chất lượng đúng chuẩn quốc tế. Tất nhiên, con số xuất khẩu sang Mỹ tăng kỷ lục là bằng chứng cho thấy đã có thay đổi ngoạn mục từ nội bộ doanh nghiệp trong nước.

Hệ sinh thái doanh nghiệp Việt ngày càng mạnh, đã có những mạng lưới phụ trợ, hỗ trợ xuất khẩu hàng như các Hiệp hội ngành hàng hay Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), …

Khi “dính” phòng vệ thương mại, khả năng theo đuổi vụ kiện cũng là cách thể hiện tôn trọng luật pháp sở tại, đây là những bài tập dượt bổ ích giúp tiếp thu nhanh nhất luật pháp quốc tế.

Nói gì thì nói, thông thạo ngoại ngữ (tiếng Anh) là điều kiện đầu tiên, tập hợp được đội ngũ luật sư giỏi, cùng các cơ quan như tòa trọng tài, VCCI, Bộ Công thương, trực tiếp là Cục xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ Thương mại, Vụ thị trường ngoài nước,…cùng vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia quốc tế, nhiều khi “bị kiện” không có nghĩa là vi phạm, mặt hàng mật ong Việt Nam xuất sang Mỹ tăng số lượng rất nhanh, giá rẻ, chất lượng tốt khiến các đối thủ tại Mỹ gặp khó khăn, nên đôi khi đó cũng là lý do để cơ quan sở tại “xem xét”.

Tương tự như nhiều mặt hàng khác, năm 2020 và 9 tháng 2021 Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ khối lượng rất lớn, con số ước tính gần 200 tỷ USD. Sự xuất hiện ồ ạt của các nhãn hàng từ Việt Nam cũng gây chú ý tại Mỹ.

Hiệp hội Thủy sản, ngành hàng rất dày dặn kinh nghiệm đối mặt với phòng vệ thương mại, hiến kế “doanh nghiệp cần liên minh để cùng cung cấp thông tin dữ liệu, đóng góp chi phí theo kiện. Có công ty luật uy tín hỗ trợ thực hiện các vấn đề liên quan đến thủ tục. Khách quan, trung thực khi trả lời các câu hỏi điều tra”.

Theo Trương Khắc Trà/diendandoanhnghiep.vn

Viết bình luận
Thêm bình luận

Liên kết Website

partner-01
partner-02
partner-03
partner-04
partner-05
partner-06
partner-07
partner-08
partner-09

Thông báo