M&A ngành ngân hàng tiếp tục nổi sóng trong năm 2023

19:19 25/06/2023
Cỡ chữ

Hoạt động M&A trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đang sôi động hơn với nhiều thương vụ trị giá tỷ USD. Điều đó cũng cho thấy các ngân hàng đang bước vào nâng cao năng lực tài chính trong năm 2023.

b8278d08f675666a58e2531ff3e37b2d

Từ đầu năm đến nay, thị trường đã chứng kiến hàng loạt thương vụ M&A ngành ngân hàng. Nổi bật là thương vụ ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC, Nhật Bản) chi 1,5 tỷ USD mua 15% cổ phần phát hành riêng lẻ của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vào cuối tháng 3 vừa qua. Đánh dấu thương vụ M&A lớn nhất ngành ngân hàng Việt Nam từ trước đến nay.

Đầu tháng 3/2023, UOB thông báo đã hoàn tất việc mua mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam, gồm các danh mục cho vay tín chấp và có bảo đảm, các mảng kinh doanh quản lý tài sản và ngân hàng bán lẻ tiền gửi.

Ngày 8/4 vừa qua, Petrolimex đã hoàn thành việc thoái 40% vốn tại PGBank. Đồng thời, ngân hàng này cũng đón 4 nhà đầu tư mới, trong đó, có 3 cổ đông tổ chức và 1 cá nhân. Việc thoái vốn của Petrolimex giúp PGBank có cơ hội tìm kiếm nhóm cổ đông chiến lược mới có tiềm lực để tăng vốn sau 12 năm đứng im. Hiện PGBank là ngân hàng có vốn điều lệ và tổng tài sản thấp nhất hệ thống.

Tháng 5/2023, ngân hàng SHB và Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) thông báo đã hoàn tất việc chuyển nhượng 50% vốn tại Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHBFinance).

Đồng thời, SHBFinance sẽ được chuyển đổi từ Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội thành Công ty tài chính TNHH Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội theo quyết định và giấy phép mới của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

5c3649d51651e5b86e5eaae42c1e77f5_1

Ông Đỗ Quang Vinh - Phó chủ tịch hội đồng quản trị kiêm phó tổng giám đốc SHB - cho biết giao dịch này sẽ mang lại nguồn thặng dư đáng kể cho cổ đông SHB, tạo thêm nguồn lực để ngân hàng tăng cường năng lực tài chính và các yếu tố nền tảng, qua đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh ở các phân khúc trọng tâm.

"Nguồn thặng dư từ thương vụ cũng giúp SHB tăng cường bộ đệm vốn, một trong những cơ sở để đẩy nhanh lộ trình triển khai Basel III và áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) trong năm 2023", ông Đỗ Quang Vinh nhấn mạnh.

Đặc biệt, ngân hàng MSB từng đàm phán thành công việc chuyển nhượng 50% vốn của Công ty tài chính FCCOM, nhưng cuối cùng thì thương vụ lại bất thành.

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB, Ngân hàng đang tiếp xúc với 2 - 3 nhà đầu tư ngoại về việc chuyển nhượng FCCOM. Tuy nhiên, để đảm bảo bảo lợi ích cho cổ đông, Ban lãnh đạo MSB nghiên cứu lại phương án thoái vốn.

Bên cạnh những thương vụ chào bán cổ phần mới của ngân hàng, tâm điểm của thị trường M&A ngành ngân hàng trong thời gian tới còn tập trung vào các thương vụ chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém, trong nỗ lực tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Mới đây nhất, sau 8 năm tái cơ cấu, Ngân hàng Xây dựng (CB) sẽ được chuyển giao về Vietcombank. Thời gian chuyển giao dự kiến sớm nhất cuối năm nay theo mô hình ngân hàng mẹ - công ty con.

Trước đó, ngày 5/3/2015, CB chính thức trở thành ngân hàng 100% vốn thuộc sở hữu Nhà nước với sự hỗ trợ toàn diện từ Vietcombank. Dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và hỗ trợ từ Vietcombank, CB đã có sự “đổi mới toàn diện” về mọi mặt như: mô thức quản trị, hệ thống công nghệ, hệ thống sản phẩm dịch vụ và hình ảnh thương hiệu.

5c3649d51651e5b86e5eaae42c1e77f5

Từ đầu năm nay, Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã có Chỉ thị 01 chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là xử lý ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu hiện nay (DongABank, CBBank, OceanBank và GPBank). Ngoài ra, từ giữa tháng 10/2022, NHNN đã đưa Ngân hàng Sài Gòn (SCB) vào diện kiểm soát đặc biệt. Như vậy, số lượng các ngân hàng yếu kém cần phải tập trung xử lý đã có sự gia tăng đáng kể.

Thực tế cho thấy, M&A ngành ngân hàng là con đường tăng vốn ngắn nhất. Công ty Chứng khoán Mirae Asset nhận định, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng được dự báo sẽ chậm lại trong năm 2023 so với mức nền cao năm 2022 trước áp lực đối với biên lãi ròng (NIM) và chất lượng tài sản trong trung hạn.

Hà Phương/suckhoeviet.org.vn

Nguồn: M&A ngành ngân hàng tiếp tục nổi sóng trong năm 2023

https://tapchiketoankiemtoan.vn

Viết bình luận
Thêm bình luận

Liên kết Website

partner-01
partner-02
partner-03
partner-04
partner-05
partner-06
partner-07
partner-08
partner-09

Thông báo