Nội dung cơ bản của Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước

06:10 04/05/2023
Cỡ chữ
Những nội dung cơ bản, quan trọng của Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước - Ảnh 1.

Nội dung cơ bản của Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước. Đồ họa Quochoi.vn

Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh, Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước gồm 5 chương, 21 điều, bao gồm: Những quy định chung; Hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước; Thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước; Thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt; Điều khoản thi hành.

Theo đó, căn cứ Luật Xử lý Vi phạm hành chính, Luật Kiểm toán nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước quy định đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là những chủ thể có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm của Luật Kiểm toán nhà nước.

Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước

Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước được quy định tại Điều 4 gồm: Cá nhân quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 5 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thực hiện hành vi quy định tại Chương II của Pháp lệnh này; tổ chức quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 5 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thực hiện hành vi quy định tại Chương II của Pháp lệnh này.

Đồng thời, để đảm bảo tính thống nhất với quy định tại khoản 1 và khoản 6 Điều 3 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính, khoản 3 Điều 4 của Pháp lệnh quy định:"Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Cơ quan Nhà nước thực hiện hành vi vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý Nhà nước thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan".

Cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước có thể bị phạt tới 50.000.000 đồng

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước được xác định căn cứ vào các quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động Kiểm toán nhà nước, bao gồm: Vi phạm quy định về các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 8 của Luật Kiểm toán nhà nước; vi phạm quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán quy định tại Điều 57 và Điều 58 của Luật Kiểm toán nhà nước; vi phạm quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động Kiểm toán nhà nước quy định tại Điều 68 của Luật Kiểm toán nhà nước.

Về hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả (Điều 6), Pháp lệnh quy định đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt hành chính là phạt cảnh cáo và phạt tiền.

Đồng thời, căn cứ quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và để phù hợp với đặc thù hoạt động Kiểm toán nhà nước, Pháp lệnh quy định 02 biện pháp khắc phục hậu quả, gồm: Buộc cải chính thông tin, tài liệu, dữ liệu có nội dung sai lệch, không chính xác hoặc không trung thực; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp (nếu có) do thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước.

Theo Pháp lệnh, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước của cá nhân là 50.000.000 đồng.

Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước của tổ chức là 100.000.000 đồng.

7 nhóm hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Kiểm toán nhà nước, Pháp lệnh đã quy định 07 điều (từ Điều 8 đến Điều 14) tương ứng với 07 nhóm loại hành vi vi phạm (là các hành vi phổ biến, xảy ra thường xuyên trên thực tế) tương ứng với đó là hình thức, mức phạt tiền và các biện pháp khắc phục hậu quả.

Cụ thể: Hành vi vi phạm các quy định về gửi báo cáo định kỳ (Điều 8); Hành vi vi phạm quy định về cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết để thực hiện việc kiểm toán (Điều 9); Hành vi vi phạm quy định về trả lời và giải trình liên quan đến nội dung kiểm toán (Điều 10); Hành vi không ký biên bản kiểm toán, không chấp hành quyết định kiểm toán (Điều 11); Hành vi mua chuộc, hối lộ thành viên Đoàn kiểm toán, cản trở công việc của Kiểm toán nhà nước (Điều 12); Hành vi che giấu hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán (Điều 13); Hành vi vi phạm quy định về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (Điều 14).

Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt

Về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, Pháp lệnh quy định, người có thẩm quyền lập biên bản bao gồm: Kiểm toán viên nhà nước; Tổ trưởng Tổ kiểm toán; Phó trưởng Đoàn kiểm toán; Trưởng đoàn kiểm toán; Kiểm toán trưởng.

Đồng thời, quy định thẩm quyền của Trưởng đoàn kiểm toán và Kiểm toán trưởng trong việc xử phạt và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

Căn cứ vào các quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và quy định pháp luật khác có liên quan, Pháp lệnh cũng quy định việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyền khởi kiện và giải quyết đơn khởi kiện của cá nhân, tổ chức bị xử phạt tại khoản 2 Điều 17.

Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2023.

Tổng Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm: Tổ chức thi hành Pháp lệnh; rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền bảo đảm có hiệu lực đồng thời với thời điểm Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành./.

Nguồn: Nội dung cơ bản của Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước

https://tapchiketoankiemtoan.vn/

Viết bình luận
Thêm bình luận

Liên kết Website

partner-01
partner-02
partner-03
partner-04
partner-05
partner-06
partner-07
partner-08
partner-09

Thông báo