Phát hiện nhiều vi phạm khi kiểm toán chuyên đề

07:07 19/09/2023
Cỡ chữ

Chuyên đề đầu tiên KTNN nhắc đến là 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Tại hầu hết các chương trình này, KTNN chỉ rõ, các bộ, ngành có liên quan chưa kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện chương trình; một số cơ chế, chính sách ban hành chưa đồng bộ, thống nhất giữa các chương trình; một số văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện chưa cụ thể, rõ ràng thậm chí chưa phù hợp với các luật liên quan; giao kế hoạch vốn chậm, giao chưa có danh mục chi tiết, chưa đúng đối tượng, nội dung chương trình; chưa xác định rõ tỷ lệ huy động, dự án được lồng ghép; một số địa phương chưa ban hành cơ chế lồng ghép nguồn vốn, chưa kịp thời bố trí vốn đối ứng; tỷ lệ giải ngân thấp; hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra cho từng năm đều chưa đạt...

img-9114.jpg -0
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 nằm trong kế hoạch kiểm toán năm 2024.

Với chuyên đề quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN) giai đoạn 2020-2022, KTNN nêu rõ, một số địa phương bố trí chưa đảm bảo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách hằng năm theo quy định như tỉnh Hưng Yên, Nghệ An, Thanh Hoá; hai tỉnh có  tỷ lệ thực hiện dự toán thấp là Bình Dương và Đồng Nai; giao dự toán khi chưa phê duyệt nhiệm vụ KHCN là tỉnh Hưng Yên, Quảng Ngãi, Thanh Hoá; sử dụng kinh phí bố trí cho dự án đầu tư không đúng quy định là tỉnh Đồng Nai.

Nhắc đến tiến độ thực hiện một số đề tài chậm, chưa kịp thời xử lý tài sản hình thành trong quá trình thực hiện dự án KHCN, KTNN lại điểm tên tỉnh Thanh Hoá, Quảng Ngãi, Nghệ An. Chưa dừng lại, tỉnh Thanh Hoá tiếp tục được nhắc đến do chưa kịp thời có báo cáo về ứng dụng kết quả nghiên cứu trong đó có 49 nhiệm vụ đã quá 12 tháng từ ngày nghiệm thu...

Liên quan đến chuyên đề quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2020-2022, báo cáo từ KTNN nêu rõ: Tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ để khai thác khoáng sản thuộc khu vực cấm khai thác khoáng sản trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản.

Tỉnh Hải Dương quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng khi chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế (TRTT), cụ thể là Dự án Khai thác mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường làm cát nhân tạo khu vực đồi Thông, phường Phả Lại, TP Chí Linh 2,1ha; dự án Khai thác đất đồi tại khu vực đồi Ngang Vọng, phường Thái Học, thị xã Chí Linh 2,18ha.

Tương tự, tỉnh Thanh Hoá cũng sử dụng tiền TRTT hỗ trợ trồng rừng sản xuất trong khi còn quỹ đất trống để trồng rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Ngoài ra các tỉnh như Quảng Ninh có 4 trường hợp, Quảng Ngãi có 2 trường hợp, Bắc Giang có 15 trường hợp, Hải Dương có 3 trường hợp, Thanh Hóa có 2 trường hợp chậm nộp tiền TRTT…

Cuối cùng, liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách do địa phương quản lý, KTNN phát hiện  một số quỹ tại một số địa phương hoạt động trong giai đoạn 2020-2022 không phù hợp quy định hiện hành. Cụ thể là tỉnh Bình Dương có Quỹ Bảo trì đường bộ và Quỹ Phòng, chống thiên tai; TP Cần Thơ có Quỹ Phát triển đất, Quỹ Đầu tư phát triển.

Tỉnh Hưng Yên bổ sung vốn điều lệ Quỹ bảo vệ môi trường và Quỹ Hỗ trợ nông dân bằng nguồn kinh phí chi thường xuyên. Ngoài ra, Quỹ hỗ trợ nông dân của tỉnh Hưng Yên chưa thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ; Quỹ Phát triển đất, Quỹ Phát triển nhà ở của Bình Dương, Quỹ bảo lãnh hoạt động tính dụng của Yên Bái hoạt động chưa hiệu quả, chưa đạt mục tiêu hoạt động.

Đặc biệt, tại tỉnh Thanh Hóa có Quỹ Phát triển đất, Hưng Yên có Quỹ Phát triển đất, Lâm Đồng cũng là Quỹ Phát triển đất không thực hiện gửi vốn của quỹ theo quy định mà gửi tại ngân hàng thương mại. Dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2024 của KTNN gồm 123 nhiệm vụ kiểm toán (tiếp tục giảm so với 129 nhiệm vụ theo KHKT năm 2023).

Trong đó, KTNN sẽ tập trung kiểm toán tại các cơ quan tài chính tổng hợp các cấp để xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán ngân sách nhằm phục vụ cho Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) và Hội đồng nhân dân phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương.

Đồng thời, KTNN đánh giá việc lập, thẩm định, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN, đặc biệt các vấn đề nêu tại Nghị quyết số 91/2023/QH15 của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021; Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ; Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội

Theo Phó tổng KTNN Doãn Anh Thơ, cơ quan này ưu tiên kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách bộ, ngành, địa phương trong năm sau. Việc này nhằm đánh giá toàn diện, xuyên suốt công tác quản lý, sử dụng tài chính-tài sản công. Các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia cũng trong kế hoạch kiểm toán năm sau, như dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và các dự án đầu tư xây dựng các đường vành đai.

Bên cạnh kiểm toán chuyên đề, KTNN dự kiến kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp hoạt động kinh tế đường bộ giai đoạn 2021-2023; quản lý giá điện 2022-2023; quản lý và cho thuê đất công ích hai năm (2022-2023).

Nguồn: Phát hiện nhiều vi phạm khi kiểm toán chuyên đề

Viết bình luận
Thêm bình luận

Liên kết Website

partner-01
partner-02
partner-03
partner-04
partner-05
partner-06
partner-07
partner-08
partner-09

Thông báo