Tăng thu ngân sách nếu áp dụng quy định thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn

13:26 18/04/2023
Cỡ chữ

Nhiều dự án thu hút FDI thông qua ưu đãi thuế

Sáng 18/4, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam. Ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, đã có phát biểu nêu lên một "bức tranh" tổng quan về vấn đề này.

18Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Đức Minh.https://tapchiketoankiemtoan.vn

Theo số liệu tổng hợp từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư, đến nay, Việt Nam đã thu hút đầu tư nước ngoài từ 142 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, các đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam chủ yếu đến từ khu vực Đông Á, cụ thể: Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore là những nước dẫn đầu danh sách. Trong tương quan chung, Việt Nam vẫn là quốc gia nhập khẩu vốn đầu tư nước ngoài.

Theo ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, các chính sách ưu đãi về thuế trong thu hút đầu tư của Việt Nam (ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN); miễn thuế nhập khẩu; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất; khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế) được đánh giá là hấp dẫn so với các nước trong khu vực.

Nhờ có chính sách ưu đãi thuế cạnh tranh, cùng với các thế mạnh như tình hình kinh tế chính trị ổn định, nguồn lao động dồi dào..., nhờ thế dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng qua các năm.

Năm 2020, Việt Nam lần đầu tiên vào nhóm 20 nước thu hút FDI hàng đầu thế giới, trong khi đầu tư nước ngoài trên toàn cầu có xu hướng giảm. Đến năm 2021, vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục duy trì sự ổn định và vượt mốc 31 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Trong năm 2022, Việt Nam cũng đã thu hút gần 30 tỷ USD, dù giảm so với năm 2021 nhưng cho thấy tín hiệu tích cực trong đại dịch.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Ngọc Minh, nếu Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới dòng vốn FDI toàn cầu, do đó Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút FDI thông qua ưu đãi thuế.

Qua thống kê, hiện nay có khoảng 335 dự án có số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN thấp hơn 15%, trong đó, thường là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao (như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron...). Theo đó, tổng vốn đầu tư đăng ký của các loại dự án này lại chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam (đạt khoảng 131,3 tỷ USD).

“Đây là những dự án có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu. Nếu thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng và Việt Nam không có những giải pháp ứng phó kịp thời, những lợi ích mang lại từ các chính sách ưu đãi thuế TNDN mà các dự án được hưởng tại Việt Nam sẽ không còn, ảnh hưởng đến tính hấp dẫn dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh của thị trường Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài và ảnh hưởng tới kế hoạch mở rộng đầu tư của các dự án” - ông Đặng Ngọc Minh cho hay.

Cần các giải pháp hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp

Theo thống kê của Bộ Tài chính, về số thu NSNN, trong 3 năm 2020-2022, số thu thuế TNDN từ khu vực doanh nghiệp có vốn FDI trên tổng số thu thuế TNDN như sau: Tổng số thu thuế TNDN chiếm 18% - 21% tổng số thu ngân sách nội địa. Số thu thuế TNDN từ khu vực doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 7,5% - 8,5% tổng số thu ngân sách nội địa. Số thu thuế TNDN từ khu vực doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 39% - 41% tổng số thu thuế TNDN.

18Thuế tối thiểu toàn cầu góp phần tăng nguồn thu từ thuế, chống trốn thuế, chuyển giá. https://tapchiketoankiemtoan.vn 

Dự báo, nếu Việt Nam không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì số thu NSNN về thuế TNDN không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam áp dụng quy định thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn, Việt Nam sẽ có quyền đánh thuế bổ sung đối với những doanh nghiệp FDI đang được hưởng thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu 15%, từ đó tăng thu NSNN.

Theo ông Đặng Ngọc Minh, trong trường hợp Việt Nam không thu thuế TNDN bổ sung thì toàn bộ số thu được ưu đãi cho các doanh nghiệp hiện tại sẽ được các nước phát triển có doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam thu về ngân sách của các nước đó. Mặt khác, khi Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (quy định IIR và UTPR) đối với những doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu và có công ty con ở nước khác có số thuế TNDN thực tế thấp hơn mức tối thiểu, thì sẽ thu thêm được thuế TNDN từ những doanh nghiệp này, từ đó tăng thu NSNN.

Theo dữ liệu, thông tin thống kê sơ bộ từ cơ sở dữ liệu doanh nghiệp toàn cầu thì hiện có khoảng 1.017 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó có khoảng ít nhất trên 100 doanh nghiệp lớn có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu nếu áp dụng từ năm 2024 (sau khi đã loại trừ các trường hợp không phải áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu). Theo đó, nếu các quốc gia khác đều áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu bắt đầu từ năm 2024, các quốc gia có công ty mẹ sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng 12.000 đến 20.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thuế tối thiểu toàn cầu cũng tạo ra cơ hội khi Việt Nam áp dụng quy định chung về thuế tối thiểu. Theo đó, Việt Nam có quyền đánh thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp Việt Nam nếu thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu đầu tư ra nước ngoài và đang được hưởng thuế suất thực tế thấp hơn mức tối thiểu 15% tại các nước khác.

Trước mắt có khoảng 100 doanh nghiệp chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu. Vì vậy, theo ông Đặng Ngọc Minh, cần bổ sung quy định về thuế tối thiểu toàn cầu áp dụng tại Việt Nam với lộ trình như sau: Thứ nhất, cần bổ sung quy định về thuế TNDN theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu (đạt chuẩn 15%) để ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu của các nước và áp dụng từ ngày 1/1/2024.

Thứ hai, nghiên cứu bổ sung quy định về thuế tối thiểu toàn cầu (bao gồm quy định tổng hợp thu nhập (IIR) và quy định lợi nhuận chịu thuế dưới mức tối thiểu (UTPR)) để áp dụng đối với các doanh nghiệp Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài và các doanh nghiệp khác thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu để thu phần chênh lệch (nếu có).

Để hạn chế tác động tiêu cực của thuế tối thiểu toàn cầu đối với thu hút đầu tư tại Việt Nam, theo ông Đặng Ngọc Minh, cần có các giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng phải đảm bảo không vi phạm quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu, phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế, công khai minh bạch, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường đầu tư.

Các giải pháp hỗ trợ cần được nghiên cứu ban hành có thể bao gồm việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản cho sản xuất, đầu tư hình thành tài sản cố định cho sản xuất công nghiệp, bảo vệ môi trường, hỗ trợ nhà ở cho công nhân, hỗ trợ bảo hiểm xã hội, y tế cho người lao động, hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường. Để thực hiện được chương trình hỗ trợ nhà nước cũng cần bố trí các nguồn lực tài chính, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực để duy trì sức hấp dẫn và ổn định môi trường đầu tư./.

Hỗ trợ phải đảm bảo không vi phạm nguyên tắc

Để hạn chế tác động tiêu cực của thuế tối thiểu toàn cầu đối với thu hút đầu tư tại Việt Nam, theo ông Đặng Ngọc Minh, cần có các giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng phải đảm bảo không vi phạm quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu, phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế, công khai minh bạch, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường đầu tư.

Minh Anh. thoibaotaichinhvietnam.vn

Nguồn: Tăng thu ngân sách nếu áp dụng quy định thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn

https://tapchiketoankiemtoan.vn

 

Viết bình luận
Thêm bình luận

Liên kết Website

partner-01
partner-02
partner-03
partner-04
partner-05
partner-06
partner-07
partner-08
partner-09

Thông báo