Tin bất động sản nổi bật tuần qua: Hà Nội kiểm định chất lượng hơn 1.200 biệt thự cũ

14:00 09/04/2023
Cỡ chữ

Hà Nội kiểm định chất lượng hơn 1.200 biệt thự cũ

Ngày 7/4, UBND Thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch kiểm định chất lượng 1.216 biệt thự xây dựng trước năm 1954 và một số công trình kiến trúc trên địa bàn.

photo-1-16808684042756214956720230408215238

Hà Nội kiểm định chất lượng hơn 1.200 biệt thự cũ. tapchiketoankiemtoan.vn

Theo đó, UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan phải kiểm định xong chất lượng 24 biệt thự và 8 công trình thuộc sở hữu Nhà nước trước ngày 30/9. Việc khảo sát, đánh giá sơ bộ chất lượng của 1.192 biệt thự còn lại phải xong trước ngày 30/6/2024.

Các đơn vị phải tính toán mức độ an toàn của các biệt thự, từ đó đề xuất các biện pháp tiếp tục sử dụng hay sửa chữa. Thành phố Hà Nội khuyến khích chủ sở hữu, quản lý, sử dụng tự bỏ kinh phí để đánh giá, kiểm định chất lượng biệt thự, để sớm có phương án bảo tồn, chỉnh trang.

Sau khi có kết quả kiểm định, thành phố sẽ đầu tư ngân sách cải tạo, chỉnh trang biệt thự do thành phố quản lý. Những biệt thự do Trung ương hoặc các tổ chức cá nhân quản lý, thành phố sẽ thông báo kết quả đánh giá sơ bộ chất lượng và khuyến nghị kiểm định chi tiết, phương án sửa chữa.

Trong 24 biệt thự và 8 công trình kiến trúc được ưu tiên kiểm định có căn số 12 Nguyễn Chế Nghĩa, quận Hoàn Kiếm, diện tích hơn 400m2. Cựu Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hoàng Văn Nghiên từng thuê căn này từ năm 2002 đến 2014. Sau đó, biệt thự bị bỏ hoang. Cử tri quận Hoàn Kiếm nhiều lần kiến nghị thành phố có phương án quản lý, sử dụng.

Trả lời cử tri cuối năm 2022, chính quyền Thành phố Hà Nội cho biết từ năm 2018 đã giao Sở Xây dựng hướng dẫn các đơn vị đấu giá cho thuê 5 năm theo nguyên tắc giá thị trường, trả tiền thuê nhà một lần cho cả thời gian thuê với 6 căn biệt thự còn trống, trong đó có căn số 12 Nguyễn Chế Nghĩa. Do Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về quản lý, sử dụng nhà chuyên dùng nên thành phố tạm thời chưa đưa ra phương án xử lý, chờ quy định mới.

Danh mục 1.216 biệt thự cũ được Thành phố Hà Nội ban hành tháng 6/2022 theo Quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cũ xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn. Theo đó, tất cả nhà biệt thự thuộc danh mục (gồm cả sở hữu của Nhà nước, của các tổ chức, cá nhân) không được tự ý phá dỡ. Trường hợp biệt thự bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, muốn cải tạo phải có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng và được cấp thẩm quyền cho phép.

Mua bán bất động sản qua sàn cần nâng cao vai trò của môi giới

Những bất động sản được hình thành trong tương lai do các chủ đầu tư thực hiện phải giao dịch qua sàn, để đảm bảo tính công khai, minh bạch. Đây là đề xuất mới được Chính phủ đưa vào dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cụ thể, theo Điều 57 trong dự thảo, 2 loại giao dịch bất động sản phải thông qua sàn đó là: Chủ đầu tư bán, cho thuê mua nhà ở hoặc công trình hình thành trong tương lai và chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại đất đã có hạ tầng kỹ thuật. Còn các giao dịch khác được khuyến khích giao dịch thông qua sàn. Quy định mới này nhằm đảm bảo quyền, trách nhiệm của chủ đầu tư dự án với người mua và tránh tình trạng đầu cơ.

Quy định các giao dịch nhà đất phải thông qua sàn từng được nêu tại Luật Kinh doanh bất động sản 2006, nhưng sau đó được bỏ khi sửa luật vào năm 2014 và áp dụng đến nay. Theo các chuyên gia, việc không bắt buộc giao dịch mua, bán, chuyển nhượng bất động sản phải qua sàn trong 8 năm qua đã làm giảm tính minh bạch của thị trường.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, đề xuất này cũng đụng chạm đến nhóm một số đối tượng khác như các nhà phát triển, hoặc có thể làm tăng một số phí, nhưng bù lại chúng ta có thể khẳng định nếu qua một tổ chức có năng lực, có trách nhiệm, đảm bảo thẩm định được và chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng thì chúng tôi cho rằng rất cần thiết.

Tuy nhiên khi đã chọn một tổ chức trung gian để thẩm định, kiểm tra, chịu trách nhiệm về chất lượng, pháp lý bất động sản cho người tiêu dùng, các tổ chức này cũng cần phải được đảm bảo bởi quy định của pháp luật.

Dù ủng hộ việc giao dịch bất động sản qua sàn, nhưng nhiều ý kiến đề xuất, bên cạnh việc siết chặt, kiểm tra kỹ lưỡng chất lượng các sàn giao dịch, cần nâng cao vai trò của các môi giới. Thực tế thời gian qua thấy, nhiều môi giới làm việc cho các sàn nhưng chưa có chứng chỉ hành nghề, hoặc làm ăn còn chộp giật, có hành vi thổi giá, tư vấn sai cho người mua. Chính vì vậy, trong sửa đổi lần này, Chính phủ cũng siết lại các điều kiện thành lập, quyền và nghĩa vụ của những người tham gia sàn.

HUD đề xuất Lâm Đồng xử lý diện tích đất dôi dư tại Khu đô thị số 5

Tổng Công ty Phát triển nhà và đô thị (HUD, thuộc Bộ Xây dựng) vừa đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng xử lý một số vướng mắc tại Khu dân cư số 5, phường 4, TP Đà Lạt do doanh nghiệp này làm chủ đầu tư.

112Ảnh minh họa. tapchiketoankiemtoan.vn

Theo đó, Tổng công ty HUD cho biết, hiện nay, công tác xác định giá giao quyền sử dụng đất đối với diện tích dôi dư ngoài diện tích tái định cư và đơn giá giao đất có thu tiền sử dụng đất do không đủ điều kiện bồi thường về đất (năm 2021, 2022) tại Dự án Khu dân cư số 5, phường 4, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng chưa được triển khai.

Tổng số ô đất đã bàn giao tại hiện trường cho các hộ dân năm 2021 và năm 2022 là 19 lô đất, trong đó diện tích dôi dư chưa xác định giá để hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Do vậy, người dân chưa xây dựng được các công trình nhà ở để ổn định cuộc sống.

Đơn vị trực tiếp thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án Khu dân cư số 5 từ khi triển khai đến nay là Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên môi trường và phát triển quỹ đất tỉnh Lâm Đồng.

Năm 2020, Trung tâm này đã xây dựng phương án giá giao quyền sử dụng đất đối với diện tích dôi dư ngoài diện tích tái định cư và đơn giá giao đất có thu tiền sử dụng đất do không đủ điều kiện bồi thường về đất, được Hội đồng thẩm định giá của tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2347/QD-UBND ngày 8/12/2022.

Để công tác xác định giá giao quyền sử dụng đất dôi dư tại Dự án Khu dân cư số 5 được thông suốt, chính xác và thuận lợi, Tổng công ty HUD đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường giao Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên môi trường và phát triển quỹ đất tỉnh tiếp tục thực hiện công tác xây dựng phương án giao quyền sử dụng đất đối với diện tích dôi dư ngoài diện tích tái định cư và đơn giá giao đất có thu tiền sử dụng đất do không đủ điều kiện bồi thường về đất năm 2021 và 2022.

Được biết, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét đề xuất trên để giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật hoặc tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

Công ty bất động sản Phú Thịnh bị phạt 180 triệu đồng

UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty Bất động sản Phú Thịnh số tiền 180 triệu đồng do công ty không bàn giao kinh phí bảo trì và lãi suất tiền gửi kinh phí bảo trì chung cư cho Ban Quản trị nhà chung cư số 4 Huyền Trân Công Chúa.

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh Bất động sản Phú Thịnh (Công ty BĐS Phú Thịnh) địa chỉ tại trụ sở tại KCN Phan Thiết, xã Phong Nẫm, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận do ông Trần Thanh Đức làm người đại diện pháp luật.

Theo cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, Công ty BĐS Phú Thịnh đã không bàn giao kinh phí bảo trì và lãi suất tiền gửi kinh phí bảo trì (phần sở hữu chung) nhà chung cư cho Ban Quản trị nhà chung cư số 4 Huyền Trân Công Chúa, phường 5, TP Đà Lạt. Số tiền cần ban giao là 546 triệu đồng và phần lãi suất tiền gửi.

Do vậy, UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty BĐS Phú Thịnh số tiền 180 triệu đồng, buộc phải bàn giao số tiền 546 triệu đồng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư và phần lãi suất tiền gửi theo quy định cho Ban Quản trị nhà chung cư số 4 Huyền Trân Công Chúa.

Dự án chung cư nhà ở xã hội Phú Thịnh tại số 4 Huyền Trân Công Chúa có tổng diện tích đất 1.054m2 với mức đầu tư gần 27 tỷ đồng. Chung cư quy mô một tầng bán hầm và 5 tầng nổi; tổng diện tích sàn xây dựng hơn 3.600m2 với 42 căn hộ. Dự án được hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2021.

Bất động sản nghỉ dưỡng khó bán nhưng giá vẫn tăng

Trong báo cáo mới đây, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, trong quý I/2023 có 20 dự án du lịch nghỉ dưỡng mở bán giai đoạn mới, đưa ra thị trường 826 sản phẩm, chủ yếu đến từ các dự án tại Phú Quốc.

VARS cho biết, trong quý vừa qua, nguồn cung bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng giảm hơn 80% so với cùng kỳ năm trước, sản phẩm căn hộ du lịch gần như vắng bóng trên thị trường. Hàng loạt dự án đóng giỏ hàng, rời hoạt động mở bán và đưa vào khai thác theo kế hoạch để chờ đợi, quan sát thêm trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn. Theo đó, lượng thanh khoản trên thị trường ở mức rất thấp, hấp thủ chỉ đạt khoảng 7%, tương đương 58 sản phẩm

Mặc dù tỷ lệ hấp thụ thấp, song mặt bằng giá sơ cấp được các chủ đầu tư điều chỉnh tăng so với cuối năm ngoái, quay trở lại với mức giá chào bán trong quý I và III/2022.

Nhằm kích cầu thị trường, các chủ đầu tư vẫn tiếp tục áp dụng những chính sách cam kết, chia sẻ lợi nhuận, hỗ trợ lãi suất... Đồng thời một số chủ đầu tư áp dụng chính sách chiết khấu lên đến 40% giá bán.

“Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng chưa có tín hiệu khởi sắc, có dấu hiệu phục hồi chậm hơn so với các phân khúc còn lại. Về vấn đề pháp lý bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang là trở ngại lớn cho các chủ đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, hạ tầng, dịch vụ đi theo để phục vụ hoạt động du lịch đã và đang được quan tâm, tuy nhiên, chưa thực sự tốt, chưa sức hấp dẫn để thu hút và giữ chân khách du lịch”, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá.

Nhận định về thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng trong quý II, VARS cho rằng, nguồn cung khả năng sẽ tiếp tục giảm do các chủ đầu tư đang lao đao về tài chính. Song, nếu vấn đề về pháp lý cho phân khúc này sớm được thông qua thị trường sẽ đón nhận những tín hiệu tích cực.

Về nhu cầu bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng khó "đảo chiều" và sẽ tiếp tục trầm lắng với mức thanh khoản trung bình. Diễn biến thị trường phân khúc này phụ thuộc vào pháp lý, dòng tiền và sự tăng trưởng của du lịch.

Nguồn: Huy Tùng (T/h). petrotimes.vn

Viết bình luận
Thêm bình luận

Liên kết Website

partner-01
partner-02
partner-03
partner-04
partner-05
partner-06
partner-07
partner-08
partner-09

Thông báo