Tin ngân hàng ngày 28/4: NCB bất ngờ tăng lãi suất huy động trở lại

09:51 28/04/2023
Cỡ chữ

NCB bất ngờ tăng lãi suất huy động trở lại

Sáng 27/4, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) công bố biểu lãi suất huy động mới. Đáng chú ý, sau thời gian liên tục giảm, lần điều chỉnh này ngân hàng đã tăng khoảng 0,5 điểm % ở nhiều kỳ hạn.

28

Ngân hàng NCB tăng lãi suất huy động/ Ảnh minh họa

Cụ thể, tại kỳ hạn 6 tháng khi gửi tiền theo hình thức trực tuyến, ngân hàng tăng lãi suất từ 7,9% lên 8,4%/năm.

Tương tự, tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tăng từ 7,95%/năm lên 8,45%/năm. Kỳ hạn 36 tháng tăng mạnh từ 7,7%/năm lên 8,2%/năm.

Hiện lãi suất cao nhất ở nhà băng này là 8,55%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn tiền gửi 15 tháng - 30 tháng.

Sau lần điều chỉnh này, lãi suất kỳ hạn 12 tháng của NCB từ vị trí ở nhóm giữa trong hệ thống đã lên nhóm 10 ngân hàng có lãi suất cao nhất. Mức lãi suất các kỳ hạn dài hiện nay của NCB cũng tương đương với mức niêm yết hồi đầu tháng 4 (trước khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành).

Nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động trong hệ thống vẫn đang tiếp tục đi xuống. Khảo sát tại ngày 27/4 không có ngân hàng nào niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng từ 9%/năm. Ở các kỳ hạn dài hơn cũng chỉ còn một số nhà băng niêm yết 9,1-9,2%/năm. Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ tiếp tục có những biện pháp để tiếp tục hạ lãi suất huy động, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay thời gian tới.

Mới đây, tại Hội nghị về tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, tại cuộc họp với Chính phủ, 4 ngân hàng TMCP Nhà nước (Vietcombank, Agribank, VietinBank, BIDV) đã đồng thuận cao về chủ trương của NHNN về việc giảm mặt bằng lãi suất trong thời gian tới. Định hướng NHNN sẽ tiếp tục hỗ trợ thanh khoản hệ thống để góp phần giúp các ngân hàng hạ mặt bằng lãi suất.

Theo ông Quang, trong thời gian qua, NHNN đã điều hành liên tục tăng lượng tiền cung ứng trên thị trường mở, giảm lãi suất trên thị trường này từ 6% xuống còn 5%. Thanh khoản hệ thống dồi dào với số dư tiền gửi dự trữ của các ngân hàng tại NHNN thường xuyên dư thừa, lãi suất liên ngân hàng giảm nhanh tạo điều kiện giảm lãi suất trên thị trường 1. Trong đó, lãi suất cho vay mới đã giảm 0,6% so với với cuối năm 2022 và sẽ tiếp tục có xu hướng giảm.

Tài sản của Eximbank giảm hơn 1.372 tỷ trong quý I

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa công bố báo cáo tài chính quý I với lợi nhuận hợp nhất trước và sau thuế đạt lần lượt 871 tỷ đồng 696 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2022. Với mục tiêu lãi trước thuế 5.000 tỷ trong năm 2023, Eximbank mới thực hiện được 17,4% kế hoạch đề ra.

Lợi nhuận Eximbank tăng nhẹ nhờ cắt giảm 41,8% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Trong khi đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 0,4%, còn gần 963 tỷ đồng.

Nguồn thu chính của ngân hàng là thu nhập lãi thuần giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 1.237 tỷ. Mảng chứng khoán đầu tư lỗ gần 6 tỷ trong khi quý I/2022 lãi 44 tỷ đồng.

Với sự sụt giảm trên, dù lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối tăng trưởng 47,6% và 30,4%, tổng thu nhập hoạt động của Eximbank vẫn chỉ tương đương cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi phí hoạt động nhích nhẹ 0,6% lên hơn 704 tỷ đồng. Điều này khiến lãi thuần của từ hoạt động kinh doanh giảm 0,4% như đã nói ở trên.

Tính đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản Eximbank giảm 1.372 tỷ so với đầu năm xuống còn 183.864 tỷ đồng, tương đương giảm 0,6%. Trong đó, dư nợ cho vay giảm 432 tỷ, tương đương giảm 0,3%; chứng khoán đầu tư giảm 3.722 tỷ, tương đương giảm 23,1%. Ngược lại tiền gửi và cho vay tại các TCTD khác tăng hơn 4.433 tỷ đồng so với hồi đầu năm, tương đương tăng 17%.

Tiền gửi khách hàng của Eximbank trong quý I chỉ tăng 0,1% lên 148.712 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn giảm 12,6% xuống còn 17.725 tỷ đồng; tiền gửi có kỳ hạn tăng 2,1% lên 130.040 tỷ đồng.

Về nợ xấu nội bảng của Eximbank trong quý I tăng lên 3.047 tỷ đồng; qua đó kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,8% hồi đầu năm lên 2,3%. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng từ 264 tỷ đồnglên 649 tỷ đồng; nợ nghi ngờ tăng từ gần 451 tỷ đồng lên 498 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn tăng từ 1.632 tỷ đồng lên gần 1.900 tỷ đồng.

Những doanh nghiệp nào mua cổ phiếu PGBank?

Ngày 7/4, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã bán đấu giá thành công 120 triệu cổ phiếu PGB của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank - UPCoM: PGB) cho 4 nhà đầu tư, trong đó ba tổ chức và một cá nhân. Mức giá mua bình quân là 21.400 đồng/cp.

Theo đó, 3 tổ chức đã mua đấu giá cổ phiếu PGB gồm: CTCP Quốc tế Cường Phát sở hữu 40,6 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 13,54% vốn điều lệ của ngân hàng; CTCP Thương mại Vũ Anh Đức sở hữu hơn 40 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ sở hữu 13,36%; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh với 39,3 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ sở hữu 13,1%.

Số lượng cổ phiếu ba cổ đông này sở hữu là xấp xỉ 120 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 40% vốn điều lệ của PGBank.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, 2 trong 3 pháp nhân kể trên có nhiều liên hệ tới một tập đoàn lớn trong lĩnh vực ô tô, bất động sản, chứng khoán.

Cụ thể, CTCP Thương mại Vũ Anh Đức cập nhật tới tháng 6/2022 có Chủ tịch HĐQT là ông Vũ Văn Nhuân (SN 1973). Ông Nhuân từng được biết đến là Giám đốc Công ty TNHH TCHB - công ty con của CTCP Khu công nghiệp Tổ hợp Công nghệ Thành Công Việt Hưng. Theo tìm hiểu, 3 cổ đông sáng lập Việt Hưng là các pháp nhân nằm trong hệ sinh thái "group" về lĩnh vực ô tô, bất động sản, chứng khoán.

Về phần Quốc tế Cường Phát, công ty có Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc là ông Nguyễn Văn Mạnh (SN 1981). Được biết, ông Mạnh cũng là cổ đông sáng lập CTCP Quốc tế PL. Đây cũng là 1 pháp nhân nằm cùng nhóm với CTCP Thương mại Vũ Anh Đức.

Đáng chú ý, Cường Phát vào ngày 20/4/2023 hoàn tất tăng vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng lên 882 tỷ đồng - xấp xỉ số tiền doanh nghiệp này chi ra để trúng đấu giá 40,6 triệu cổ phiếu PGB.

Trong khi đó, không nhiều thông tin về pháp nhân Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh - đơn vị nắm 13,1% vốn PGBank. Dữ liệu cho thấy Gia Linh thành lập vào năm 2010, cơ cấu cổ đông gồm ông Võ Trọng Phú (10%) và bà Phạm Thị Phương (90%).

KienlongBank có HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới

Ngày 27/4, Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Ngân hàng đặt mục tiêu phát triển ổn định, bền vững với lợi nhuận trước thuế đạt 700 tỷ đồng trong năm nay.

28Ảnh minh họa

Đại hội lần này cũng là Đại hội kết thúc nhiệm kỳ của HĐQT, BKS 2018 - 2022, ra mắt các thành viên nhiệm kỳ mới 2023 - 2027, định hướng chiến lược 5 năm tới.

Theo đó, tại Đại hội, các cổ đông đã thực hiện bầu các thành viên HĐQT, thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2023 - 2027.

7 thành viên Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ mới được bầu ra bao gồm: bà Trần Thị Thu Hằng, ông Lê Khắc Gia Bảo; ông Trần Ngọc Minh, bà Nguyễn Thị Thanh Hường, ông Bùi Thanh Hải, ông Nguyễn Cao Cường, bà Nguyễn Thuỷ Nguyên.

3 thành viên Ban Kiểm soát gồm: bà Đỗ Thị Tuyết Trinh, ông Vũ Phạm Thái Hà, ông Đặng Minh Quân.

Cũng tại Đại hội, lãnh đạo KienlongBank cho biết, những kết quả đạt được trong năm 2022 là nền tảng quan trọng để KienlongBank đề ra mục tiêu và kế hoạch hành động cụ thể cho năm 2023.

Theo đó, Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 700 tỷ đồng; Tổng tài sản tăng lên 86.000 tỷ; Tổng nguồn vốn huy động vốn đạt 78.000 tỷ đồng; Dư nợ tín dụng tăng 15,39%, đạt mức 52.500 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 3%, đảm bảo tuân thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Phát biểu tại đại hội, lãnh đạo KienlongBank cho biết, với mục tiêu đưa KienlongBank trở thành một ngân hàng số hiện đại, tiên phong trong lĩnh vực số hóa sản phẩm dịch vụ và cung cấp trải nghiệm ưu việt tới các khách hàng, Ngân hàng sẽ tiếp tục đưa kênh số hoá và sản phẩm số hoá trở thành động lực chính cho sự tăng trưởng quy mô, hiệu quả. KienlongBank cũng sẽ duy trì triển khai các sản phẩm số hóa tích hợp trên nền tảng sản phẩm số đơn lẻ để phát triển, ứng dụng công nghệ AI nhằm đáp ứng và hỗ trợ tối đa nhu cầu của khách hàng.

Huy Tùng (T/h). petrotimes.vn

Nguồn: Tin ngân hàng ngày 28/4: NCB bất ngờ tăng lãi suất huy động trở lại

https://tapchiketoankiemtoan.vn

Viết bình luận
Thêm bình luận

Liên kết Website

partner-01
partner-02
partner-03
partner-04
partner-05
partner-06
partner-07
partner-08
partner-09

Thông báo