Tin ngân hàng ngày 7/4: Vì sao lợi nhuận ABBank giảm trong năm 2022?

09:51 07/04/2023
Cỡ chữ

Tại sao lợi nhuận ABBank giảm trong năm 2022?

Theo báo cáo của Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), năm 2022, ngân hàng đã không đạt được nhiều chỉ tiêu kế hoạch mà Đại hội đồng cổ đông thông qua. Lý do là thị trường năm 2022 biến động, nhiều yếu tố tiêu cực, bất ổn gây ảnh hưởng đến mảng kinh doanh nguồn vốn. Cụ thể là trái phiếu chính phủ do mặt bằng lãi suất thị trường tăng mạnh, thanh khoản hạn chế dẫn tới danh mục trái phiếu chính phủ bị ảnh hưởng.

anh-abbank-scaled20230407084351

Ảnh minh họa. tapchiketoankiemtoan.vn

Bên cạnh đó, năm vừa qua ngân hàng phát sinh chi phí bồi thường khi chấm dứt hợp tác bán bảo hiểm nhân thọ với đối tác cũ không đảm bảo quyền lợi cho ABBank.

Những yếu tố này đã làm sụt giảm lợi nhuận toàn hệ thống ABBank trên 1.000 tỷ đồng, trong khi chưa có giải pháp hiệu quả về nguồn thu thay thế để bù đắp. Một số chỉ tiêu quy mô, hiệu quả còn khoảng cách tương đối so với các chỉ tiêu định hướng của Kế hoạch kinh doanh trung hạn 2021-2025.

Trong khi phải trả khoản bồi thường khi chấm dứt hợp đồng với đối tác cũ trước hạn, ABBank chưa có sự chuyển đổi liên tục trong hợp tác với đối tác kinh doanh bảo hiểm mới dẫn đến không có doanh thu phí bảo hiểm năm qua.

Được biết, FWD từng là đối tác bảo hiểm nhân thọ độc quyền của ABBank. Hai bên ký kết thỏa thuận bancassurance vào năm 2016 với thời hạn 15 năm. Tuy nhiên, đến 2022, mối hợp tác này đã chính thức kết thúc. Thay vào đó, tháng 12/2022, ABBank có đối tác mới khi công bố hợp tác chiến lược với Dai-ichi Life Việt Nam.

Lãnh đạo ABBank cũng thừa nhận sự hạn chế trong công tác dự báo và lập kế hoạch. Việc triển khai ngân hàng số chưa tạo sự đột phá cần được thúc đẩy chuyển đổi mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, ngân hàng cũng đạt được một số kết quả tích cực trong hoạt động kinh doanh, chẳng hạn như đã mua lại được toàn bộ nợ bán cho VAMC, xử lý dứt điểm một số khoản nợ xấu cũ tồn đọng. Ngân hàng cũng đã tăng được vốn điều lệ lên tiệm cận mức 10 nghìn tỷ đồng. Mặc dù lợi nhuận không đạt mục tiêu đề ra nhưng kết quả kinh doanh năm 2022 phản ánh thực chất và nguồn thu từ kinh doanh xuất phát từ hoạt động cốt lõi của ngân hàng, tiền đề quan trọng đế phát triển bền vững.

Hai thành viên HĐQT Eximbank xin từ nhiệm

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa thông báo nhận được đơn từ nhiệm của 2 Thành viên Hội đồng quản trị là ông Nguyễn Hiếu và ông Nguyễn Thanh Hùng.

Theo đó, cả hai thành viên HĐQT Eximbank đều không thể tiếp tục tham gia HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII (2020 - 2025) vì lý do cá nhân.

Được biết, ông Nguyễn Hiếu và ông Nguyễn Thanh Hùng cùng được bầu vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII (2020 - 2025) trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 lần thứ hai diễn ra vào ngày 15/2/2022.

Theo tài liệu được Eximbank công bố khi đó, ông Nguyễn Thanh Hùng là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Bamboo Capital. Ông Hùng được đề cử bởi nhóm cổ đông bao gồm ông Nguyễn Hồ Nam, bà Lê Thị Mai Loan, CTCP Thắng Phương, CTCP Đầu tư và Dịch Helios.

Trong khi ông Nguyễn Hiếu là thành viên HĐQT CTCP Chứng khoán Rồng Việt. Ông Hiếu được đề cử bởi nhóm cổ đông Lafelle Limited, Education Management Holdings Limited, ông Trần Công Cận và bà Ngô Thu Thuý - Chủ tịch HĐQT CTCP Âu Lạc.

Hiện HĐQT Eximbank có tổng cộng 7 thành viên với bà Lương Thị Cẩm Tú là chủ tịch.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ bất thường lần 2 - 2022 diễn ra vào ngày 14/2, cổ đông Eximbank đã thông qua việc bổ sung 3 thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII là bà Lê Thị Mai Loan, ông Phạm Quang Dũng và ông Trần Anh Thắng.

Ngày 14/04/2023, Eximbank sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 tại Gem Center (Quận 1, TP HCM). Tại đại hội, ban lãnh đạo ngân hàng sẽ lấy ý kiến cổ đông thông qua một số tờ trình quan trọng như: Phương án tăng vốn điều lệ năm 2023 để trả cổ tức bằng cổ phiếu; Sửa đổi, bổ sung Điều lệ ngân hàng; các báo cáo của Ban Tổng Giám đốc, HĐQT, Ban Kiểm soát…

Mất hơn 400 triệu đồng vì bị lừa nghe nhạc, xem video được tiền

Công an quận Ba Đình (Hà Nội) đang điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn chỉ cần nghe nhạc, xem video mà lấy được tiền.

Theo đó, vào ngày 13/3, Công an phường Giảng Võ, quận Ba Đình tiếp nhận đơn trình báo của chị T (SN 1982; trú tại Ba Đình, Hà Nội) về việc bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Chị T cho biết, ngày 10/3, chị T có nhận được điện thoại mời tham gia làm cộng tác viên nghe nhạc tăng lượt view, lượt like cho ca sỹ sẽ nhận được 100.000 đồng đến 200.000 đồng qua ứng dụng Telegram.

Chị T tin tưởng làm theo yêu cầu của đối tượng nhưng sau đó phát hiện ra chiêu trò lừa đảo nên đã đến cơ quan Công an trình báo. Tổng số tiền chị đã chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng yêu cầu là hơn 400 triệu đồng.

Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

OCB đặt mục tiêu lợi nhuận 6.000 tỷ trong năm 2023

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Phiên họp sẽ được tổ chức vào sáng 28/4 tại Khách sạn Sheraton Sài Gòn, TP. Hà Nội.

ngan-hang-ocb-181231-676320230407084616

Ảnh minh họa. tapchiketoankiemtoan.vn

Năm 2023, OCB dự kiến tổng tài sản sẽ tăng 25% lên 242.152 tỷ đồng. Tổng huy động thị trường 1 tăng 26% lên 173.087 tỷ, Dư nợ thị trường 1 tăng khoảng 20% lên 173.087 tỷ. Ngân hàng cũng cho biết, dư nợ tín dụng sẽ được điều chỉnh theo hạn mức tăng trưởng mà Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. OCB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.

Cũng theo tài liệu cuộc họp, ngân hàng có 7.037 tỷ đồng lợi nhuận để lại, trong đó 2.943 tỷ là lợi nhuận để lại năm 2022 và 4.094 tỷ đồng lợi nhuận để lại của các năm trước. Để phục vụ cho hoạt động kinh doanh, OCB đề xuất sử dụng lợi nhuận để lại và các nguồn khác thuộc vốn chủ sở hữu để tăng vốn điều lệ.

Cụ thể, ngân hàng muốn phát hành gần 685 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 50%. Nếu thành công, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng. Thời gian phát hành cụ thể do HĐQT quyết định sau khi được chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Với số tiền thu được từ tăng vốn, ngân hàng sẽ dùng 6.176 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay; 672 tỷ đồng để mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất.

Tại cuộc họp, OCB cũng sẽ trình cổ đông thông qua việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính của ngân hàng. Hiện nay, trụ sở chính được đặt tại số 41 (tầng trệt, tầng lửng, tầng 1 và tầng 2 của tòa nhà) và số 45 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, Quận 1, TP HCM.

Một nội dung đáng chú ý khác là OCB sẽ tiến hành bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025. Nhân sự dự kiến được bầu là ông Kato Shin (đang là Trưởng Bộ phận Châu Á Thái Bình Dương tại Ngân hàng Aozora) và ông Nguyễn Đình Tùng (đang là Tổng Giám đốc của OCB).

Nguồn: Huy Tùng (T/h). petrotimes.vn

Viết bình luận
Thêm bình luận

Liên kết Website

partner-01
partner-02
partner-03
partner-04
partner-05
partner-06
partner-07
partner-08
partner-09

Thông báo