Tỉnh Thái Nguyên với bước đột phá “Chuyển đổi số”

15:24 22/12/2022
Cỡ chữ

Nghị quyết về chuyển đổi số ra đời đã mở ra hướng đi mới, tạo sức sống mới, nhận được sự hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, mang lại hiệu quả thiết thực trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số và có tác động toàn diện đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội. Việc đầu tiên là thay đổi tư duy, nhận thức của người đứng đầu về chuyển đổi số, theo đó các cấp ủy đảng đã khẩn trương tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết, nâng cao công tác lãnh đạo, điều hành các cấp, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu người dân, doanh nghiệp, tạo nên môi trường hành chính công khai, minh bạch.

Việc đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin thực hiện chuyển đổi số là một trong những yếu tố hết sức quan trọng, do đó, tỉnh Thái Nguyên đã mời gọi, thu hút, liên kết với các Tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông lớn tham gia vào quá trình chuyển đổi số, như: Tập đoàn Viettel; Tập đoàn VNPT; Tập đoàn Saigontel-NGS… Tất cả đều thể hiện tinh thần chung tay tạo sự phát triển mới. Mạng 5G cũng đã chính thức có mặt tại Thái Nguyên là bước đột phá về phát triển nền tảng hạ tầng viễn thông công nghệ thông tin, mở ra cuộc cách mạng mới trong kỷ nguyên số, đó như một lời cam kết của tỉnh về việc đảm bảo hạ tầng hiện đại để đón chào các nhà đầu tư trên khắp thế giới, góp phần cụ thể hóa Nghị quyết về chuyển đổi số của tỉnh.

chuyen-soi-so-thai-nguyen

Các Đ/c lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và các đại biểu bấm nút khai trương Nền tảng xã hội số Thái Nguyên ID

Trung tâm Điều hành thông minh do Tập đoàn Viettel triển khai thí điểm với 11 nền tảng công nghệ số; đặc biệt là triển khai phần mềm ứng dụng công dân Thái Nguyên “C-ThaiNguyen” được đưa vào sử dụng từ tháng 6/2021. Thông qua ứng dụng C-Thái Nguyên đã có hàng nghìn phản ánh của công dân, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời góp phần làm tốt công tác quản lý của các ngành, chính quyền địa phương. Cùng với ứng dụng C-ThaiNguyen, việc phát triển nền tảng xã hội số với tên gọi “Thai Nguyen ID” đã hỗ trợ tích cực vào việc định danh chính xác từng người dân Thái Nguyên trên không gian số, đơn giản hóa và thuận tiện trong việc thực hiện các dịch vụ công một cửa là “cánh tay nối dài” giúp tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân. Đặc biệt, Chiến dịch tiếp sức, hỗ trợ cho hơn 11.000 người Thái Nguyên ở 22 tỉnh, thành phố vùng dịch phía Nam trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư với tổng số tiền hỗ trợ trên 23 tỷ đồng đã được thực hiện trong thời gian ngắn nhất.

Bộ mặt đô thị thông minh dần được hiện hữu và hình thành tại 3 thành phố Thái Nguyên, Sông Công và Phổ Yên. Đặc biệt, thực hiện chuyển đổi số tại những nơi khó khăn nhất, vùng được đánh giá là vùng lõm thông tin của tỉnh vẫn được coi là quyết định táo bạo. Cùng với La Bằng (huyện Đại Từ), Sảng Mộc (huyện Võ Nhai) là xã được tỉnh và Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn thí điểm xây dựng xã thông minh (chuyển đổi số). Theo đó, cáp quang kéo đến tận xóm, xã; hệ thống cụm loa thông minh phát hằng ngày 2 khung giờ mỗi ngày, giúp cho hơn 80% hộ dân tiếp cận được những thông tin thiết yếu, những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nền tảng khám bệnh từ xa đã giúp người dân không phải đi lại nhiều lần mà vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của mình; giờ đây người dân tại địa phương khó khăn nhất của tỉnh có thể ngồi ở nhà để thực hiện TTHC qua môi trường số…

Các lĩnh vực ưu tiên trong chuyển đổi số, như: Y tế, Giáo dục, Văn hoá, Công nghiệp, Giao thông, Nông nghiệp… cũng đều có sự chuyển mình, với mục tiêu phục vụ người dân tốt hơn, nhanh hơn, hiện đại hơn, như: Thanh toán qua ngân hàng với dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí; Các sản phẩm OCOP tỉnh Thái Nguyên đã được kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ trên Sàn thương mại điện tử Vỏ Sò (voso.vn), Sàn thương mại điện tử PostMart (postmart.vn); Hệ thống quản lý cây xanh thông minh trên nền bản đồ số “Thái Nguyên SmartTrees”…; nhiều người dân đã xây dựng kênh bán hàng riêng trên youtube, đem lại thu nhập cao, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với nhà nước.

Hiện nay là tỉnh được Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện điểm Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06), Thái Nguyên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ và linh hoạt các giải pháp với quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với nền tảng là kết quả chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian qua, Thái Nguyên có thể triển khai ngay nhiều nội dung, nhiệm vụ của Đề án 06 về 25 dịch vụ công thiết yếu; tiện ích phát triển kinh tế – xã hội, công dân số; Cơ sở dữ liệu làm giàu dân cư và các hạng mục phục vụ chỉ đạo, điều hành của tỉnh. 

Bên cạnh đó, với việc được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định bổ sung Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình vào Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ thông tin tập trung Quốc gia đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, đó tiếp tục là bước tiến chiến lược trong chuyển đổi số của tỉnh thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Trên toàn tỉnh hiện có 2.255 Tổ công nghệ số cộng đồng với tổng số thành viên khoảng gần 15.000 người. Các thành viên được lựa chọn tham gia Tổ công nghệ số cộng đồng ngoài sự nhiệt tình, tích cực còn có kỹ năng sử dụng nền tảng số, công nghệ số cũng như khả năng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số. Với mục tiêu đưa công nghệ số đến từng “ngõ”, “từng hộ gia đình”, đảm bảo tiếp cận người dân ở mọi tầng lớp, ngành nghề, đặc biệt là khu vực nông thôn, các Tổ công nghệ số cộng đồng đều có thành viên là lãnh đạo, đoàn viên thanh niên, hội viên Hội phụ nữ xóm/tổ dân phố, trong đó nòng cốt là thanh niên và phụ nữ

Sau thời gian thực hiện Nghị quyết, lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá và công bố kết quả chuyển đổi số, tỉnh Thái Nguyên xếp hạng 12/63 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; mức độ sẵn sàng bảo đảm an toàn thông tin mạng thuộc nhóm 7 địa phương xếp hạng A dẫn đầu cả nước.

Chuyển đổi số là xu thế phát triển tất yếu, mang tính đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, có tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Việc triển khai Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số tại Thái Nguyên đã đạt nhiều kết quả tích cực trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Với những kết quả như vậy “hành trình chuyển đổi số” mà Thái Nguyên đã lựa chọn và đang thực hiện sẽ đưa địa phương tiến lên, hòa nhịp cùng sự phát triển là nền tảng, động lực quan trọng, góp phần xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực Trung du miền núi phía Bắc, với mục tiêu đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tạo tiền đề đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân; xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du miền núi phía Bắc và vùng thủ đô Hà Nội.

Theo: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên

Viết bình luận
Thêm bình luận

Liên kết Website

partner-01
partner-02
partner-03
partner-04
partner-05
partner-06
partner-07
partner-08
partner-09

Thông báo