Cơ quan hải quan tạo thuận lợi tối đa cho xuất khẩu nông sản

06:23 29/05/2023
Cỡ chữ
Cơ quan hải quan tạo thuận lợi tối đa cho xuất khẩu nông sản
Hải quan Lạng Sơn hỗ trợ tối đa cho hoạt động xuất khẩu nông sản. Ảnh: TL

Thông quan trong ngày

Với mục tiêu hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp (DN), theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng, hải quan các cấp luôn ưu tiên tuyên truyền, vận động các DN, cá nhân, tổ chức phối hợp với cơ quan hải quan thực hiện các hoạt động cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa hải quan. Trong đó, để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu (XK) nông sản, cơ quan hải quan đã thường xuyên tổ chức đối thoại DN, tư vấn hỗ trợ DN XK nắm rõ những quy định của các nước về kiểm dịch, về tiêu chuẩn chất lượng, cơ chế cấp phép, thủ tục thanh toán, bảo hiểm.

Ngoài ra, trong việc quản lý hàng nông sản XK, cơ quan hải quan đóng vai trò như một mắt xích quan trọng vừa kiểm soát hoạt động XK nông sản, vừa góp phần thúc đẩy hoạt động này phát triển. Cơ quan hải quan thường xuyên chỉ đạo các đơn vị hải quan địa phương nơi có hàng nông sản XK tạo điều kiện tối đa và thực hiện thông quan ngay trong ngày đối với hàng hóa nông sản đến thời điểm thu hoạch chính vụ nói riêng và nông sản nói chung; giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan cho XK hàng hóa; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin với cơ quan kiểm dịch để thực hiện nhanh chóng thủ tục cho DN.

Đặc biệt, cơ quan hải quan đã xây dựng, vận hành phần mềm trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (NSW) nhằm tự động tiếp nhận hồ sơ kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm để quyết định phương thức kiểm tra trên cơ sở thu thập, xử lý các dữ liệu về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; chuyển hồ sơ đến các cơ quan kiểm tra, tổ chức chứng nhận sự phù hợp được chỉ định; đảm bảo công khai minh bạch thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu với bộ, ngành và các cơ quan liên quan.

Tuy vậy, ghi nhận từ thực tế, quá trình thông quan nông sản XK vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn. Ông Nguyễn Anh Tài - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, tồn tại đầu tiên là hàng nông sản, trái cây tươi của Việt Nam XK với kim ngạch không đồng đều giữa các cửa khẩu. Đơn cử tại Lạng Sơn, mặt hàng này chủ yếu là XK qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (4 tháng năm 2023 là 46,16%) và Tân Thanh (4 tháng năm 2023 là 32,14%). Các cửa khẩu khác chiếm số lượng ít. Điều này gây ảnh hưởng đến năng lực thông quan, dẫn đến nguy cơ xảy ra ùn tắc tại một số cửa khẩu, vào các thời gian cao điểm.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, hạ tầng, kho bãi, địa điểm tập kết hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu chưa đáp ứng với nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hoá hiện nay cũng là các rào cản khiến hoạt động XK nông sản chưa thể bứt phá. Ngoài ra, ông Nguyễn Anh Tài cũng phân tích, hiện Trung Quốc vẫn đang là thị trường lớn nhất và chủ yếu đối với hàng nông sản XK qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn, do đó, việc phía Trung Quốc thường xuyên thay đổi chính sách quản lý, phương thức giao nhận hàng XK như thời gian qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực thông quan hàng hoá nông sản XK qua địa bàn tỉnh.

Mặt khác, vẫn còn có thương nhân XK nông sản qua địa bàn tỉnh thực hiện thủ tục xuất XK theo hình thức truyền thống như: mua bán hàng hoá được thực hiện thông qua thoả thuận miệng, không ký kết hợp đồng, không liên hệ trước đầu mối giao nhận hàng phía Trung Quốc,… Điều này dẫn đến tình trạng hàng hoá đến cửa khẩu bị ách tắc do không có đầu mối liên hệ, hàng hoá bị trả lại phải tái nhập vào Việt Nam gây thiệt hại về chi phí, thời gian cho thương nhân.

Cần thiết lập một nền tảng bài bản

Để hỗ trợ thúc đẩy hoạt động nông sản XK, mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh, Phó Tổng cục trưởng Lưu Mạnh Tưởng cho biết, đối với việc kiểm tra, giám sát hàng nông sản XK, cơ quan hải quan đang tiếp tục xây dựng và nâng cao mô hình địa điểm kiểm tra hồ sơ tập trung; chủ động phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi hệ thống văn bản pháp luật về kiểm tra chuyên ngành, chi tiết mã số HS, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra.

Đồng thời, cơ quan hải quan đẩy mạnh áp dụng nguyên tắc kiểm tra theo phương pháp phân luồng quyết định kiểm tra; tiếp tục hoàn thiện nâng cao hiệu quả hệ thống thông quan điện tử, đẩy mạnh ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin ở tất cả các khâu nghiệp vụ hướng đến mô hình hải quan số, hải quan thông minh; phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện kết quả kết nối trao đổi thông tin thương mại và các DN hoạt động trong lĩnh vực logistics, bảo hiểm và các dịch vụ khác có liên quan…

Nêu khuyến nghị, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho rằng, DN cần thiết lập một nền tảng bài bản từ khâu nhỏ nhất như mặt bằng sản xuất, công nghệ, nguồn nguyên liệu và sự sáng tạo để nâng cao chất lượng nông sản theo hướng đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, hoàn thành thủ tục hải quan sớm để khi hàng hóa đưa ra cửa khẩu không phải chờ đợi, bảo quản chờ XK.

Các DN sản xuất chế biến nông sản XK cũng cần nâng cao chất lượng hàng nông sản phù hợp với các cam kết hiệp định của Việt Nam đang thực thi và các thị trường đối tác quan trọng; liên hệ chặt chẽ với cơ quan hải quan chủ động áp dụng ứng dụng công nghệ trong việc truy xuất nguồn gốc nông sản điện tử, giúp mở rộng thị trường.

Cơ quan hải quan túc trực thông quan tất cả các ngày trong tuần

Trong giai đoạn cao điểm tại các cửa khẩu, cơ quan hải quan luôn bố trí cán bộ giải quyết thủ tục thông quan và giám sát hàng hóa xuất khẩu ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ; phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi tại khu vực cửa khẩu bố trí địa điểm và tạo điều kiện cho việc bảo quản, phân loại chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp trong thời gian chờ xuất khẩu.

Nguồn: Cơ quan hải quan tạo thuận lợi tối đa cho xuất khẩu nông sản

https://tapchiketoankiemtoan.vn/

Viết bình luận
Thêm bình luận

Liên kết Website

partner-01
partner-02
partner-03
partner-04
partner-05
partner-06
partner-07
partner-08
partner-09

Thông báo