Để chốt được trần nợ công, ông Biden nhường Cộng hòa những gì?

06:34 29/05/2023
Cỡ chữ

Tối 27-5 (giờ địa phương), sau cuộc gọi 90 phút, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Mỹ - nghị sĩ Cộng hòa Kevin McCarthy đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc nhằm nâng trần nợ công đang ở mức 31.400 tỉ USD của chính phủ liên bang, theo hãng tin Reuters.

Viết trên Twitter, Chủ tịch Hạ viện McCarthy thông báo ông và ông Biden “đã đi đến một thỏa thuận về nguyên tắc xứng đáng với người dân Mỹ”. Ông McCarthy cho biết dự kiến ​dự luật nâng trần nợ công sẽ hoàn tất vào ngày 28-5 (giờ địa phương), sau đó ông nói chuyện lại với ông Biden và xúc tiến bỏ phiếu tại Quốc hội vào ngày 31-5.

Thăm dò của CNN công bố ngày 23-5 cho thấy 60% người được khảo sát đồng ý rằng việc tăng trần nợ phải đi kèm với cắt giảm chi tiêu.

Cắt giảm chi tiêu trên toàn bộ chính phủ

Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát công bố dự luật nâng trần nợ công từ ngày 26-4, trong đó miễn trừ chi tiêu quốc phòng. Vì quốc phòng chiếm 47% chi tiêu tùy ý nên việc cắt giảm chi tiêu rơi vào các cơ quan và chương trình phi quốc phòng.

Cộng hòa cho rằng chi tiêu chính phủ gia tăng đang thúc đẩy tăng nợ của Mỹ, muốn cắt giảm mạnh chi tiêu cùng nhiều điều kiện khác, bao gồm giảm ngân sách với một số chương trình phúc lợi dành cho người có thu nhập thấp, cũng như với Sở Thuế vụ Mỹ.

Dân chủ cáo buộc Cộng hòa chơi trò nguy hiểm với nền kinh tế và cắt giảm chi tiêu các chương trình an sinh xã hội là sự tấn công vào người nghèo. Từ đầu cuộc đàm phán, phía Dân chủ muốn tăng trần nợ “sạch” mà không cần điều kiện tiên quyết, điều mà Cộng hòa nói rõ ngay từ đầu rằng sẽ không chấp nhận.

Ông Biden trong nhiều tháng từ chối đàm phán với ông McCarthy về khả năng cắt giảm chi tiêu và chỉ bắt đầu đàm phán nghiêm túc với lãnh đạo Cộng hòa từ ngày 16-5, khi thời hạn vỡ nợ tới gần mà thỏa thuận chưa chốt được.

Cuối cùng hai bên đồng ý giới hạn chi tiêu tùy ý phi quốc phòng ở mức năm 2023 trong năm 2024 và tăng thêm 1% vào năm 2025, theo nguồn tin của Reuters. Ban đầu ông Biden muốn giữ nguyên mức chi tiêu trong năm tài chính 2024 và tăng 1% vào năm sau đó.

Nguồn tin Fox News Digital cho biết thỏa thuận thu lại 1,9 tỉ USD trong tổng số 80 tỉ USD được cấp cho Sở Thuế vụ trong Đạo luật giảm lạm phát năm ngoái. Hàng tỉ USD quỹ đại dịch COVID-19 chưa được sử dụng sẽ được thu lại. Tốc độ phê duyệt cho các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng sẽ được tăng lên. Trần nợ công sẽ được nâng lên cho đến tháng 1-2025, qua cả thời điểm cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo.

Tối 27-5, ông Biden thừa nhận rằng thỏa thuận “thể hiện sự thỏa hiệp, có nghĩa là không phải tất cả mọi người có được những gì họ muốn”, song cũng cho rằng thỏa thuận “bảo vệ” các chính sách của đảng Dân chủ.

 
Để chốt được trần nợ công, ông Biden nhường Cộng hòa những gì? ảnh 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy vừa thống nhất thỏa thuận nguyên tắc nâng trần nợ công. (Ảnh GETTY IMAGES chụp trong ngày ông Biden phát biểu thông điệp liên bang tại Quốc hội 7-2)

Chạy đua thuyết phục lưỡng viện

Diễn biến bước ngoặt này chấm dứt tình trạng bế tắc kéo dài nhiều tháng vốn đã tạo áp lực lên thị trường tài chính, đè nặng lên cổ phiếu và buộc Mỹ phải trả lãi suất cao kỷ lục trong một số đợt bán trái phiếu.

Các nhà kinh tế cho rằng nếu Mỹ vỡ nợ thì hậu quả nặng nề hơn nhiều, có khả năng đẩy nước này vào suy thoái, làm rung chuyển nền kinh tế thế giới, khiến tỉ lệ thất nghiệp tăng đột biến. Thỏa thuận nâng trần nợ một khi được thông qua và được ông Biden ký thành luật kịp thời, trước ngày 5-6 khi Bộ Tài chính hết tiền để trang trải sẽ giúp ngăn chặn thảm họa này.

Giờ thì nhiệm vụ khó khăn với cả ông Biden và ông McCarthy là thuyết phục được lưỡng viện Quốc hội thông qua trước ngày 5-6. Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện với đa số 222/213 ghế. Dân chủ đang kiểm soát Thượng viện với đa số 51/49 ghế. Sau khi được Hạ viện thông qua, dự luật sẽ đến cửa bỏ phiếu ở Thượng viện. Tại Thượng viện, dự luật cần được toàn bộ phiếu ủng hộ của đảng Dân chủ và ít nhất chín phiếu bầu từ đảng Cộng hòa được thông qua.

Nói với PV tối 27-5, ông McCarthy thừa nhận “chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm để hoàn thành thỏa thuận”. Ông Biden cũng “mạnh mẽ kêu gọi cả hai viện thông qua thỏa thuận ngay lập tức”.

Dù đã có thỏa thuận nguyên tắc vẫn dễ dàng nảy sinh nhiều vấn đề trong quá trình thực hiện, dẫn đến nguy cơ quá thời hạn nâng trần nợ. Theo nguồn tin của đài CNN thì điều khoản cắt giảm chi tiêu chi tiết với một số chương trình mạng lưới an sinh xã hội đang là điểm vướng mắc.

Chưa kể thỏa thuận nguyên tắc mà ông McCarthy đạt được với ông Biden dường như không đạt được các mục tiêu mà Cộng hòa nêu trong dự luật giới hạn, tiết kiệm, tăng trưởng của Hạ viện, theo đó nâng trần nợ trong một năm trong khi giảm mức chi tiêu của năm hiện tại khoảng 150 tỉ USD. Trên Twitter tối 27-5 nhiều hạ nghị sĩ Cộng hòa nói rằng họ không thể chấp nhận các chi tiết mới trong thỏa thuận nguyên tắc.

Tuy thế, trao đổi với CNN, ông McCarthy tự tin rằng ông có thể thuyết phục được đa số nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện ủng hộ thỏa thuận.•

Trần nợ Mỹ đã được tăng bao nhiêu lần?

Kể từ năm 1978, trần nợ công ở Mỹ đã được tăng lên 61 lần, 32 lần trong số đó có điều kiện cắt giảm chi tiêu, 29 lần được thống nhất trần nợ “sạch”.
Việc cắt giảm lớn nhất là trong Đạo luật kiểm soát ngân sách (BCA) năm 2011, bao gồm giới hạn chi tiêu 10 năm với các giới hạn riêng cho chi tiêu quốc phòng và phi quốc phòng.

Kiến trúc sư của thỏa thuận này – thời Tổng thống Barack Obama – ông Biden lúc đó là phó tổng thống.

Lần gần nhất Mỹ đến mức suýt vỡ nợ tương tự là vào năm 2011. Thời điểm đó Mỹ có tổng thống Dân chủ, Thượng viện do Dân chủ kiểm soát, và Hạ viện do Cộng hòa kiểm soát, tương tự bối cảnh lúc này.

Nguồn: Để chốt được trần nợ công, ông Biden nhường Cộng hòa những gì?

https://tapchiketoankiemtoan.vn/

Viết bình luận
Thêm bình luận

Liên kết Website

partner-01
partner-02
partner-03
partner-04
partner-05
partner-06
partner-07
partner-08
partner-09

Thông báo