Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Rủi ro lạm phát và giảm lãi suất đang là vấn đề nóng được nhiều Đại biểu. Quốc hội quan tâm và đặt câu hỏi trong phiên họp Quốc hội mới đây. Trả lời chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, dịch bệnh xảy ra từ. đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã 3 lần giảm lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1,5-2%/năm, được xem là mức giảm sâu so với các nước trong khu vực.
NHNN cũng đã chỉ đạo và kêu gọi các tổ chức tín dụng thực hiện giảm lãi suất và mặt bằng đã giảm khoảng 1,66%/năm so với trước dịch. Theo đó, các tổ chức tín dụng đã giảm khoảng 30.000 tỷ đồng tiền lãi để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và sẽ tiếp tục thực hiện giảm từ nay cho đến cuối năm. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng đã giảm hơn. 2.000 tỷ đồng tiền phí cho các khách hàng.
Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng phải vừa hoạt động đảm bảo an toàn, hiệu quả để sẵn sàng khả năng chi trả cho khách hàng vừa phải hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, việc xem xét các chính sách, công cụ thời gian tới, NHNN luôn phải đảm bảo đạt được 2 mục tiêu. Đồng thời, đảm bảo các cân đối lớn của vĩ mô như nợ công, bội chi ngân sách.
“Nhiệm vụ của hoạt động quản lý tiền tệ là đảm bảo điều hành của Ngân hàng Trung ương, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng không chủ quan với lạm phát và đảm bảo vai trò huyết mạch của nền kinh tế. Để có thể xác định còn dư địa giảm lãi suất nữa hay không, qua đánh giá thực trạng về hoạt động tiền tệ của ngân hàng và kinh tế vĩ mô, NHNN cho rằng mục tiêu kiểm soát lạm. phát dưới 4% năm nay có thể đạt được (lạm phát đến hết tháng 10 là 1,81%). Tuy nhiên, trong năm 2022, rủi ro lạm phát đang có áp lực lớn”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Về vấn đề này, PGS.,TS. Phạm Thế Anh, Chuyên gia Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cho rằng, trong 9 tháng đầu năm, chỉ số CPI theo báo cáo của Tổng cục Thống kê chỉ quanh quẩn ở mức 2%, nhưng khi nhìn vào chỉ số GDPdeflator đã tăng 23%. Nghĩa là tăng gấp 10 lần so với CPI, điều đó thể hiện rõ sự phân kỳ giữa 2 chỉ số, trong khi thông thường 2 chỉ số này biến động cùng nhau. Đồng thời thể hiện sức ép lạm phát không hề nhỏ tới nền kinh tế, chủ yếu là do sức cầu giảm mạnh trong mấy tháng vừa qua, khi hàng hoá doanh nghiệp sản xuất ra không đến tay người tiêu dùng, tạo ra sự đứt gãy,… Vì vậy, nguy cơ lạm phát tương đối lớn do chi phí sản xuất sớm muộn sẽ phản ánh vào giá cả thị trường hàng hóa đầu ra.
“Đáng chú ý, giá lương thực thực phẩm cuối năm sẽ tăng trở lại, do thời gian vừa qua sản xuất thu hẹp, khả năng dẫn đến thiếu nguồn cung trong cuối năm, trong khi cầu được mở rộng và hồi phục. Chưa kể các vấn đề liên quan đến thiên tai, mưa lũ, bão lụt sẽ làm tăng nguy cơ tiêu dùng khá lớn”, vị chuyên gia phân tích.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế đánh giá, tác động của giá năng lượng, khí đốt và dầu tăng quá nhanh, đặc biệt nguồn cung bị đứt gãy một thời gian khiến lưu thông hàng hóa bị hạn chế, cũng gây áp lực tăng giá hàng hóa.
Do đó, vị PGS cho rằng, không đợi đến năm 2022 mà nguy cơ lạm phát cuối năm nay kéo dài sang năm sau từ các tác động liên quan giá đầu vào trong nước và quốc tế khá lớn. Bên cạnh đó, dù nền kinh tế đã mở cửa trở lại, nhưng sự phục hồi của doanh nghiệp còn diễn ra khá chậm làm giảm tổng cung trên thị trường.
Đồng quan điểm đó, PGS.,TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính cũng khuyến cáo lạm phát vì giá dầu, nguyên phụ liệu từ bên ngoài tăng do phụ thuộc nhập khẩu là có. Ông cũng bổ sung thêm rằng, chi phí logistics trong thời gian qua đã tăng rất nhanh, chiếm 22 – 24% tổng giá thành cuối cùng của hàng hóa. Mức chi phí này là rất lớn thậm chí có nguy cơ tăng thêm.
“Với các nguyên nhân trên, kết hợp với rủi ro từ logistics gây lạm phát là rất lớn. Chưa kể tình trạng thiếu hụt lao động, đẩy giá lao động tăng cũng là một yếu tố gây nên lạm phát”, PGS.,TS. Vũ Sỹ Cường khuyến cáo.
Trong báo cáo mới nhất về Triển vọng Thị trường Hàng hóa do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ayhan Kose cho hay, giá năng lượng tăng đặt ra rủi ro đáng kể trong ngắn hạn đối với tình hình lạm phát trên toàn cầu và nếu điều này tiếp diễn có thể gây sức ép cho tăng trưởng tại các nước nhập khẩu năng lượng. Cùng với đó, giá thực phẩm cao hơn cũng làm gia tăng lạm phát giá lương thực và làm dấy lên nghi ngại về an ninh lương thực tại một số nước đang phát triển.
Tuy vậy, WB dự báo giá năng lượng sẽ bắt đầu giảm vào nửa cuối năm 2022 khi sức ép về chuỗi cung ứng được nới lỏng, cùng với giá các mặt hàng không phải năng lượng như nông sản và kim loại dự kiến cũng giảm xuống, sau khi tăng mạnh trong năm 2021.
Trước diễn biến dịch và thị trường nguyên nhiên vật liệu thế giới còn nhiều bất định, PGS.,TS. Nguyễn Thường Lạng đề xuất, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng, sẽ tác động không nhỏ tới tình hình lạm phát của Việt Nam. Vì vậy, chính sách kiềm chế giá nhiên liệu đầu vào phải tiếp tục được áp dụng. Về lâu dài, Chính phủ cần tính toán để giảm một số khoản thuế, phí trong giá thành xăng dầu nhằm giảm nguy cơ lạm phát do tác động từ bên ngoài.